Hôm qua (2.7), Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Nội vụ. Trong đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh sẽ phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính. Đồng thời, cũng đột phá rất mạnh vào việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc cải cách hành chính gắn với tinh gọn bộ máy có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân. Tuy nhiên bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc đầu mối bên trong. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc. Chính vì vậy, nếu không tiếp tục tinh giản bộ máy, sắp xếp cho hiệu quả sẽ không thể tinh giản biên chế như mong đợi.
Chính vì vậy, ông Dĩnh cho rằng nghiên cứu sắp xếp lại các bộ, ngành theo hướng khắc phục chồng chéo chức năng, nhiệm vụ là rất cần thiết. Trước hết, cần có sự phân cấp nhiều hơn, bộ máy hành chính cũng phải tinh gọn, hiệu quả hơn. Lúc đó sẽ phân định rõ bộ máy ở Trung ương tập trung vào hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát, còn cấp địa phương thì tổ chức thực hiện.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, chủ trương này rất phù hợp nhằm giảm gánh nặng ngân sách, tạo thuận lợi cho bộ máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng tránh sắp xếp cơ học, sắp xếp phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ, sắp xếp làm sao cho phù hợp, nếu không lại nhập vào rồi tách ra sẽ gây tác dụng ngược.
Cũng theo ông Dĩnh, mục tiêu sắp xếp bộ máy hành chính, ngoài việc tinh gọn bộ máy vẫn phải đảm bảo ổn định chính trị và hiệu quả cho sự phát triển. Trong quá trình thực hiện cần đặc biệt chú ý tới công tác cán bộ, bởi công tác này làm không cẩn thận là mất ổn định. Với nguồn cán bộ dôi dư sau sắp xếp, chúng ta phải có chính sách, phải quán triệt về tư tưởng. Trong một cuộc cách mạng, đương nhiên sẽ có đụng chạm, cán bộ đảng viên phải đồng thuận. Vấn đề là chúng ta làm cho đúng, cho khách quan để lựa chọn đúng người, đúng việc.
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - phân tích, mục tiêu cuối cùng của việc sắp xếp là nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính. Việc tổ chức lại bộ máy hành chính cần được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành.
Theo ông Lê Văn Cuông, để bộ máy công quyền làm việc hiệu quả hơn thì việc sắp xếp lại một số sở có chức năng tương đồng với nhau là một trong những giải pháp mạnh mẽ. Tinh gọn được bộ máy nhưng vẫn phải gắn với đảm bảo được hiệu quả công việc. Chúng ta tính toán tới mục tiêu sáp nhập là để tinh gọn bộ máy, nhưng cũng phải quan tâm tới quyền lợi của người lao động.
Khi tiến hành sáp nhập, chúng ta phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các sở theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bố trí, sắp xếp việc sao cho đúng người, đúng việc. Phải thực hiện một cuộc cách mạng thực sự để tạo sự bứt phá, thu gọn đầu mối, hỗ trợ người dân tốt hơn.