Xét xử công bằng, công khai, sao phải ngại hoạt động giám sát của báo chí?

Quang Việt |

Theo chuyên gia luật, Hội đồng xét xử một phiên tòa chí công vô tư, trình độ nghiệp vụ tốt thì không ngại gì hoạt động giám sát của các cơ quan truyền thông và của nhân dân.

Hội đồng xét xử là người của công chúng

Đầu tuần tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Minh Thành và đồng phạm về các tội "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc".

Thời điểm đó, các phóng viên đến tham dự, đưa tin diễn biến phiên tòa bị thư ký phiên xử yêu cầu “không ghi âm, ghi hình”.

Nói về hiện tượng trên và việc hạn chế, “thắt chặt” ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa xét xử công khai mà dự thảo Luật Tổ chức TAND hướng tới, hầu hết nhà báo cùng nhiều luật gia cho rằng, điều này là không nên, không phù hợp với xu thế phát triển và cũng không tương thích, phù hợp với các quy định hiện hành.

Trước ý kiến cho rằng, việc ghi âm, chụp ảnh sẽ khiến Hội đồng xét xử (HĐXX), người tiến hành hoặc tham gia tố tụng "phân tán tư tưởng" bởi không ai muốn bị đưa hình ảnh xấu..., Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho hay, khi HĐXX tham gia xét xử vụ án (hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại)… thì khi đó là người của công chúng.

Hình ảnh của HĐXX khi đó không còn là hình ảnh cá nhân nữa mà đó là đại diện cho công quyền và được pháp luật bảo vệ. Pháp luật quy định về quyền tự do cá nhân và hình ảnh.

Luật sư Cường dẫn chiếu Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định việc sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần phải xin phép trong trường hợp: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Như vậy, có hai căn cứ để phóng viên, nhà báo có thể ghi hình HĐXX đó là thời điểm HĐXX làm việc công chứ không phải là hình ảnh cá nhân; căn cứ thứ hai là việc sử dụng hình ảnh đó trong các hoạt động công khai vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…

Mặt khác, phóng viên, nhà báo đưa thông tin về hoạt động xét xử của tòa án thì đó cũng là một hình thức tuyên truyền pháp luật, lan tỏa những thông điệp pháp lý, thể hiện tính công khai trong hoạt động xét xử và cũng là một hình thức giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

"Bởi vậy khi thẩm phán chí công vô tư, trình độ nghiệp vụ tốt thì không ngại gì hoạt động giám sát của các cơ quan truyền thông và của nhân dân", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Ngược lại, việc đưa những thông tin hình ảnh diễn biến phiên tòa sẽ thể hiện tính uy nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật, là hình thức thể hiện hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp và là hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả.

Bởi vậy cần phải có quy định nhất quán về việc đưa thông tin cũng như sử dụng hình ảnh tại phiên tòa sao cho vừa đảm bảo được hoạt động xét xử không bị ảnh hưởng, vừa thể hiện sự tôn nghiêm của phiên tòa và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Trường hợp đưa hình ảnh không cần có sự đồng ý

Luật sư Trịnh Văn Tuyến - Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích thêm, về góc độ hình ảnh cá nhân, Điều 32 - Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, những hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

Cần phải hiểu rằng hình ảnh cá nhân là những hình ảnh như: ăn, ở, ngủ, nghỉ mang tính riêng tư hoặc đời sống riêng tư của cá nhân. Nó hoàn toàn không liên quan đến hoạt động công cộng và cũng không liên quan đến hoạt động mang tính công vụ, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Với bối cảnh tòa án và phiên tòa công khai thì đây chính là nơi công cộng, hoạt động công cộng và là hoạt động mang tính công vụ, nhiệm vụ. Hơn thế, đây còn là hoạt động công cộng vì lợi ích quốc gia, dân tộc với trọng tâm là đấu tranh, xử lý và phòng ngừa tội phạm.

Xét xử công bằng, công khai là nguyên tắc chung của các đạo luật tố tụng

Theo Luật gia Thiều Hữu Minh - Hội Luật gia TP Đà Nẵng, trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai được quy định là nguyên tắc chung của các đạo luật tố tụng và Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động xét xử, đặt ra yêu cầu hoạt động xét xử không những phải đúng đắn, khách quan, công bằng mà còn phải kịp thời, nhanh chóng, không chậm trễ, tạo điều kiện cho công chúng có thể giám sát hoạt động xét xử.

Ngoài ra, đây là nguyên tắc mang tính phổ biến trên thế giới, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế như: Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950.

Quang Việt
TIN LIÊN QUAN

Báo chí ghi âm, ghi hình không làm "méo mó" hoạt động xét xử tại phiên tòa

Việt Dũng |

Các chuyên gia luật cho hay, qua những phiên tòa dư luận quan tâm, báo chí đã chuyển tải thông tin kịp thời, thể hiện tính công khai, dân chủ trong hoạt động tư pháp và góp phần thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động tư pháp.

Phải để báo chí thực hiện chức năng giám sát tại các phiên tòa

PHẠM ĐÔNG |

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, tự do ngôn luận của báo chí là rất quan trọng nên không cần thiết phải hạn chế ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên tòa công khai.

Cấm báo chí ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa là không cần thiết

Việt Dũng |

Tòa án nhân dân (TAND) tối cao mới đây đề xuất trong dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc và tuyên án, đồng thời phải có sự cho phép của chủ tọa.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ngầm tràn ngập sâu, Quảng Bình cảnh báo dân không di chuyển

CÔNG SÁNG |

Do ảnh hưởng bão số 4, từ 7 giờ sáng 20.9, địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều ngầm tràn nước ngập sâu, chảy xiết và chia cắt cục bộ.

Bão số 4 Soulik suy yếu vẫn có thể tàn phá Thái Lan

Khánh Minh |

Bão số 4 Soulik dù đã suy yếu thành áp thấp nhưng dự kiến sẽ mang theo mưa lớn đến Thái Lan.

Ảnh hưởng thi công âu thuyền, nhà dân bị ngập sâu trong nước

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG |

Việc thi công công trình Âu thuyền Cái Khế đã khiến nhiều nhà dân tại TP Cần Thơ bị lún, nứt nghiêm trọng và ngập sâu trong nước.