Đằng sau làn sóng từ chức của các quan chức cao cấp Ukraina

Ngọc Vân |

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky công bố những thay đổi lớn về nhân sự trong chính phủ trong bài phát biểu qua video hôm 23.1.

Một loạt quan chức cao cấp Ukraina từ chức, từ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Ukraina Kirill Tymoshenko, tới các thống đốc của các khu vực gần chiến tuyến.

RT tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến làn sóng từ chức và hậu quả những thay đổi chính sách đối nội của Ukraina giữa cuộc xung đột vũ trang.

Làn sóng từ chức

Ngày 24.1, ba quan chức cao cấp đã từ chức trong một ngày: Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Kirill Tymoshenko, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vyacheslav Shapovalov và Phó Tổng Công tố Alexey Symonenko.

Bốn người đứng đầu chính quyền khu vực cũng đã bị cách chức - ở Dnepropetrovsk (Valentin Reznichenko), Zaporizhzhia (Alexander Starukh), Kherson (Yaroslav Yanushevich) và Sumy (Dmitry Zhivitsky). Điều đáng chú ý là tất cả các khu vực này đều gần với mặt trận và biên giới Nga - điều này có thể cho thấy chính quyền Ukraina đang chuẩn bị cho một giai đoạn chiến sự mới.

Theo truyền thông địa phương, danh sách này không chỉ giới hạn ở những cái tên nêu trên. Việc từ chức có thể ảnh hưởng đến các quan chức cấp cao khác, trong đó có Thủ tướng Denis Shmigal.

Những thay đổi nhân sự diễn ra trước một loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan đến các quan chức cao cấp. Bị cáo buộc mua thực phẩm cho quân đội với giá thổi phồng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vyacheslav Shapovalov đã từ chức. Tình hình cũng đe dọa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đương nhiệm Alexei Reznikov, nhưng hiện tại, Quốc hội Ukraina đã quyết định giữ ông tại vị.

Cục Chống Tham nhũng Quốc gia Ukraina (NABU) cũng đã tiến hành các cuộc truy quét, bắt giữ Vasiliy Lozinsky, Thứ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Lãnh thổ và Cơ sở hạ tầng, trong khi một đồng nghiệp khác của Lozinsky là Ivan Lukerya đã từ chức.

Trong khi đó, một vụ bê bối chính trị khác rúng động khắp Ukraina. Pavel Khalimon, thành viên đảng Đầy tớ của Nhân dân, bị cáo buộc mua bất động sản trị giá 10 triệu Grivna (273.000 USD) ở trung tâm Kiev trong thời chiến và sẽ bị bãi nhiệm khỏi chức vụ trong quốc hội.

Một vụ bê bối khác tập trung vào cựu cố vấn của Tổng thống Zelensky, Aleksey Arestovich, người đã trở thành một blogger nổi tiếng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vũ trang. Arestovich tuyên bố, một tên lửa rơi xuống tòa nhà dân cư ở Dnepr hồi đầu tháng, đã bị lực lượng phòng không Ukraina bắn hạ. Điều này gây ra vụ bê bối chính trị lớn và Arestovich bị sa thải.

Aleksey Arestovich. Ảnh: Wiki
Aleksey Arestovich, cựu cố vấn của Tổng thống Zelensky. Ảnh: Wiki

Đây không phải là những vụ bê bối và cáo buộc tham nhũng đầu tiên mà Ukraina phải đối mặt kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, nhưng cho đến nay, chúng vẫn chưa dẫn đến những vụ từ chức. Bây giờ, tình hình đã thay đổi đáng kể. Trong bài phát biểu gần đây, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, bất kỳ bằng chứng nào về tham nhũng sẽ dẫn đến “một phản ứng mạnh mẽ”.

Trong bối cảnh chiến sự, những vụ bê bối như vậy có thể gây ra sự mất lòng tin đối với chính quyền. Các cuộc đấu tranh chính trị tạo ra căng thẳng trong xã hội và mở ra một mặt trận nội bộ thứ hai. Tổng hợp lại, những yếu tố này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Ukraina.

Chuyện gì tiếp theo?

Trong bối cảnh các vụ bê bối chính trị cấp cao của Ukraina, những thay đổi về nhân sự trong chính phủ đang được thảo luận tích cực. Trong số các quan chức được xem xét sa thải tiếp theo có Bộ trưởng Bộ Năng lượng German Galushchenko, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Vadim Gutzeit (người gần đây đứng đầu Ủy ban Olympic Quốc gia Ukraina), cũng như Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Pavel Ryabikin. Tuy nhiên, không ai trong số những quan chức này dính líu đến các vụ bê bối tham nhũng, vì vậy những vụ từ chức này, nếu xảy ra, có thể vì những lý do khác nhau.

Tất cả những điều này khiến báo giới nghĩ đến những thay đổi quy mô lớn có thể xảy ra trong chính phủ. Việc thủ tướng từ chức, nếu có, kéo theo sự từ chức của toàn bộ chính phủ, thực sự giống như một phản ứng mạnh mẽ của Tổng thống Zelensky đối với các vụ bê bối tham nhũng. Tuy nhiên, quá trình này mang lại rủi ro nghiêm trọng cho chính quyền.

Việc chính phủ từ chức trong bối cảnh bê bối tham nhũng tạo ra nguy cơ chia rẽ chính trị ở quốc hội. Hơn nữa, nếu chính phủ từ chức, các nước phương Tây có thể đặt ra những điều kiện khắt khe trong việc điều phối các ứng cử viên cho chính phủ mới.

Tất cả những điều này có thể làm lung lay hệ thống quyền lực và dẫn đến việc chính quyền của tổng thống có ít ảnh hưởng hơn nhiều đối với các tiến trình chính trị.

Ngọc Vân
TIN LIÊN QUAN

Đức sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraina thế nào?

Khánh Minh |

Chính phủ Đức đã thay đổi quan điểm về việc chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraina.

Cựu Thủ tướng Italia nêu người duy nhất có giải pháp hòa bình cho Ukraina

Song Minh |

Cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi cho biết thế giới đang phải "trả giá không bền vững" cho cuộc xung đột Nga - Ukraina, đồng thời chỉ ra người duy nhất có giải pháp hòa bình.

Bước ngoặt nguy hiểm trên chiến trường Ukraina

Khánh Minh |

Việc Mỹ và các thành viên NATO đồng ý cung cấp xe tăng thiện chiến cho Ukraina trở thành một bước ngoặt nguy hiểm trên chiến trường Ukraina.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

VĐV bóng chuyền Nguyễn Thị Xuân và sự bền bỉ ở tuổi U40

NHÓM PV |

Góc nhìn thể thao số 181 có buổi trò chuyện với chủ công Nguyễn Thị Xuân về hành trình gắn bó với bóng chuyền cũng như dự định trong tương lai của tay đập 38 tuổi.