Hơn 44.000 lao động ở Đà Nẵng bị mất việc
Dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng cộng với việc giãn cách toàn xã hội trong 2 tuần qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc làm cho người lao động. Gần như tất cả các doanh nghiệp hoạt động du lịch, dịch vụ ở Đà Nẵng thời điểm này đều đóng cửa ngừng hoạt động. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, hiện có hơn 56.000 công nhân lao động bị mất việc, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó tập trung nhiều nhất ở khối ngành du lịch, dịch vụ với 44.274 người. Đây là con số tăng gấp đôi so với đợt dịch hồi đầu năm, với số lao động làm việc trong các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, làm việc luân phiên là trên 23.000 người.
Không chỉ có Đà Nẵng, các địa phương ở miền Trung và cả nước cũng bị thiệt hại nặng nề. Thống kê mới nhất từ Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến giữa tháng 8.2020 tỉ lệ khách du lịch hủy phòng các khách sạn khoảng 90% - 100% ở hầu hết các địa phương. Như Hà Nội từ ngày 28.7 - 6.8 đã có 32.907 khách hủy tour nội địa, kéo theo khoảng 28.000 lao động tạm thời nghỉ việc. Tại TPHCM có trên 35.000 chương trình du lịch, bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã bị huỷ. Các địa phương như Thừa Thiên-Huế có 1.931 khách hủy tour, thiệt hại về doanh thu khoảng 1.100 tỉ đồng. Các lễ hội lớn như Festival Huế sau nhiều lần trì hoãn phải hủy, dời đến năm 2021 gây thiệt hại nặng nề về hình ảnh du lịch địa phương cũng như nguồn lực. Bình Định có 85% lượng phòng bị hủy tour. Bà Rịa-Vũng Tàu có 93 đơn vị kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động, đóng cửa... Tỉnh Lâm Đồng, số lượng phòng bị hủy tại Đà Lạt lên đến 16.000 phòng và 4.000 lượt khách hủy tour. Và những con số như thế này dự báo còn có khả năng tăng thêm trong thời gian tới...
Đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế VAT
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng thì trong đợt kích cầu du lịch hè 2020, dù lượng khách đến Đà Nẵng và miền Trung tăng đột biến (Đà Nẵng trung bình mỗi ngày đón 25 nghìn lượt khách). Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã giảm giá dịch vụ đến mức không thể thấp hơn, thế nên khi tham gia chương trình kích cầu, doanh nghiệp du lịch mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chứ chưa kịp thu lợi nhuận. Chính vì vậy, lúc này rất cần có sự chia sẻ thiệt hại từ cả 2 phía, cả người đi du lịch và người làm du lịch.
Nếu như đợt dịch trước, du lịch Việt Nam đã gần như về “số 0” khi hàng nghìn công ty lữ hành phải tạm ngừng hoạt động; hàng loạt khách sạn, nhà hàng trên khắp cả nước đóng cửa với ước tính dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành đã thiệt hại hơn 17.300 tỉ đồng trong quý I/2020 thì lần này, các con số chắn chắn sẽ lớn hơn rất nhiều. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng mong muốn Chính phủ giảm 50% thuế VAT, giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến hết năm 2020; Đồng thời tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện nước, vốn đã dừng vào ngày 30.6, ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch; Tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới…
Đề xuất của ông Cao Trí Dũng cũng là mong muốn chung của tất cả các doanh nghiệp du lịch khắp cả nước thời điểm này. “Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện các doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tiền điện, nước, vay vốn, giảm lãi suất, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong ngành du lịch... Đồng thời, mong muốn các hãng hàng không quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoãn hoặc hủy chuyến”, ông Lê Hữu Minh - Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị. Bà Huỳnh Phan Phương Hòa - Phó Tổng Giám đốc Vietravel kiến nghị: “Điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại, bởi doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó khăn, cùng với đó là giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp”.
Có 7 chuyến bay đưa khách du lịch mắc kẹt ở Đà Nẵng về
Tổng cộng có 7 chuyến bay với 1.453 khách, lịch trình cụ thể các chuyến bay như sau: 2 chuyến Đà Nẵng - Hà Nội ngày 13.8 khởi hành lúc 9h và 16h, 2 chuyến chặng Đà Nẵng - TP.HCM 14.8 lúc 9h và 16h. Vietnam Airlines đã lên kế hoạch thực hiện 3 chuyến bay trong các ngày 12-13.8, chở hơn 700 du khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng trở về Hà Nội và TP.HCM. Hành khách trên các chuyến bay này là khách du lịch bị kẹt lại do Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, gồm nhiều trẻ em. Hành khách và phi hành đoàn sau khi trở về phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định. Các chuyến bay chở khách du lịch rời Đà Nẵng về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng được áp dụng theo tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh từ mặt đất đến trên không. Phi hành đoàn, hành khách đều được trang bị bảo hộ y tế toàn thân và đo thân nhiệt trước khi lên tàu.
Để cảm ơn du khách đã tin tưởng và lựa chọn Đà Nẵng làm điểm đến tham quan trong thời gian qua, Sở Du lịch sẽ tặng mỗi người món quà đặc sản Đà Nẵng là bánh khô mè Bà Liễu, bánh đậu xanh cùng Thư cảm ơn của đồng chí Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Hải Ngọc