Câu hỏi còn để ngỏ
Bài viết: "Bị từ chối giải hạn vì thiếu lễ 50 nghìn đồng", đăng tải trên Báo Lao Động ngày 15.2 nhận được sự hưởng ứng lớn từ dư luận.
Ngày 16.2, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Việc cúng sao giải hạn tổ chức tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) không phải là nghi lễ hay văn hóa của Phật giáo. Nhà chùa cũng không được quy định mức tiền cúng là bao nhiêu. Điều này đi ngược lại chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Trần Tấn Hùng - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cũng cho rằng: "Phật giáo chỉ tổ chức cúng cầu an đầu năm, còn cúng dâng sao giải hạn là sự biến hóa của tín ngưỡng dân gian. Nếu việc cúng sao đấy lại biến thành thương mại hóa tại một số chùa như báo Lao Động phản ánh là đi ngược với giáo lý của nhà Phật",
Cũng trong thời điểm đó, nhóm PV Lao Động đã gửi câu hỏi đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và nhận được phản hồi bất ngờ...
PV: Báo Lao Động vừa đăng tải câu chuyện “Bị từ chối giải hạn vì “thiếu lễ” 50 nghìn đồng”. Bài viết đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch có đưa ra bình luận gì về câu chuyện này?
Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch: Qua trang Báo điện tử Lao Động, chúng tôi cũng thấy nội dung liên quan đến việc “dâng sao”, “giải hạn”, “cầu an” được nhiều bạn đọc, nhân dân quan tâm. Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác nhau và được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau.
Nhu cầu của người dân vào những ngày đầu năm mới, trong tiết Xuân mới với mong muốn bản thân, gia đình và toàn xã hội có một năm bình an, thuận lợi và hiện thực những ước mơ của bản thân là nhu cầu chính đáng.
Vì vậy, với tấm lòng thành kính và niềm tin, người dân lòng thành công đức cho nhà chùa, nơi thờ tự để cầu an là những việc nên làm. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ thêm những thông tin người dân bị từ chối cầu an vì thiếu lễ là có hay không, hoặc chỉ là thông tin một chiều không mang tính xây dựng đưa ra để tạo sự chú ý của dư luận. Cá nhân tôi nghĩ không có nhà chùa, cơ sở thờ tự nào từ chối cầu an, cầu hạnh phúc cho nhân dân, cho đất nước.
Việc thực hiện những nghi thức tâm linh tại cơ sở thờ tự phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người, đó cũng là quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức về văn hóa tâm linh và luật pháp, đồng thời cả tâm thức khi hành lễ.
PV: Theo ghi nhận, rất nhiều chùa hiện mở các khóa lễ dâng sao giải hạn, cầu an với mức giá từ 150 – 300 nghìn đồng/lượt. Báo chí đã nhiều lần phản ánh về hiện tượng phản cảm trên. Quan điểm của Bộ về vấn đề này? Bộ đã từng phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xử lý vấn đề này chưa?
Về câu hỏi này chúng tôi chưa nhận được câu trả lời từ phía Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.
Chùa Phúc Khánh nói sẽ rút kinh nghiệm
Cũng liên quan đến bài viết trên, chiều 18.2, đại đức Thích Minh Đức, đại diện chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) cũng đã có buổi trả lời phỏng vấn Báo Lao Động.
"Trước hết, nhà chùa rất cảm ơn những vấn đề mà báo Lao Động nêu trong những bài báo gần đây. Rất đáng tiếc khi sự việc trên đã xảy ra tại chùa.
Chùa Phúc Khánh không có quy định nào về việc thiếu tiền thì không được làm lễ giải hạn.Tuy nhiên phật tử thu tiền hộ nhà chùa đã áp dụng cứng nhắc quy định thu phí, trong khi đó nhà chùa thì bận rộn, không thể quán xuyến hết.
Về vấn đề này, nhà chùa cũng xin rút kinh nghiệm", đại đức Thích Minh Đức nói.
Như vậy, có thể kết luận cùng một vấn đề mà Báo Lao Động phản ánh có những quan điểm khác nhau từ chùa Phúc Khánh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.
Theo ghi nhận của nhóm PV, thời điểm hiện tại, ở Hà Nội vẫn còn một số chùa tổ chức thu phí dâng sao giải hạn với mức phí còn cao hơn tại chùa Phúc Khánh. Báo Lao Động sẽ tiếp tục phản ánh.
Ngày 20.2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn số 033/CV-HĐTS khẳng định: Trong thời gian mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh.
Công văn trên yêu cầu rất rõ: Việc tổ chức pháp hội phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi, mà phải đúng Chính pháp để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo.