Đặt tên đường phố: Lúc khắt khe, khi dễ dãi...

NHÓM PV |

Tại Hà Nội cách đây không lâu, xôn xao về một loạt tên đường như “từ trên trời rơi xuống” do người dân tự phát đặt ra. Còn tại Đà Nẵng, việc đặt tên cho hai con đường là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina mấy ngày qua đã tạo ra nhiều tranh cãi. Chính quyền Đà Nẵng tạm thời chưa đặt tên đường cho hai nhân vật này. 

Từ những câu chuyện đặt tên đường ở nước ta, một câu hỏi đặt ra: Phải chăng, đặt tên cho những con đường diễn ra trong hai thái cực: Lúc quá khắt khe khi thừa dễ dãi.

Khi Park Hang-seo cũng “bỗng nhiên” thành tên đường

Cách đây vài tháng, khi tra Googlemap nhiều người phát hiện ra đoạn đường nối từ đường Phạm Văn Đồng ra đường Võ Chí Công thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ của thành phố Hà Nội được gắn cái tên là Ngô Minh Dương - nhân vật không rõ lai lịch, không có tên trong Ngân hàng tên đường, phố Hà Nội; chưa có trong các quyết định đặt tên đường, phố của thành phố Hà Nội; đồng thời không được Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức gắn biển.

Ở quận Hà Đông thì tự dưng có đường Huyndai với nhiều biển hiệu hàng quán ghi địa chỉ “đường Hyundai”.

Tên “đường Huyndai” ở quận Hà Đông, Hà Nội do dân tự phát đặt. Hiện nay đã được phá dỡ. Ảnh: PV
Tên “đường Huyndai” ở quận Hà Đông, Hà Nội do dân tự phát đặt. Hiện nay đã được phá dỡ. Ảnh: PV

Dù tên đường do dân tự đặt, nhưng nó cho thấy một vấn đề là chúng ta có đường, có nhu cầu về tên đường nhưng thiếu tên để đặt.

Rõ ràng, sự phát triển chóng mặt của đô thị khiến việc đặt tên không kịp và người dân phải chấp nhận một thời những cái tên đường kèm theo chữ “kéo dài” hoặc “mới”. Kiểu như Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Lê Văn Lương kéo dài, Xã Đàn mới, Kim Liên mới…

Đó là chưa kể những sáp nhập mang tính lịch sử thì những cái tên cũng không kịp hoặc không thể thay đổi dễ tạo ra nhầm lẫn. Ví dụ, Hà Nội có phố Nguyễn Khuyến, phố Bà Triệu, phố Quang Trung, phố Trần Phú… thì ở quận Hà Đông cũng có từng đó tên phố y hệt gây ra những khó khăn nhất định trong việc định danh, giao dịch.

Việc đặt tên cho đường phố dù đã có những quy định chặt chẽ với 11 bước và qua nhiều vòng lấy ý kiến nhân dân thì việc lập ra một “ngân hàng tên đường - phố” cũng đang là chuyện rất khó khăn ở nhiều địa phương, nhất là những thành phố phát triển nóng về hạ tầng.

Và trong lúc chờ đợi những cái tên đường thì đã có những câu chuyện cười ra nước mắt mới xảy ra. Chẳng hạn tại tuyến đường 109, phường Phước Long B, quận 9, TP.Hồ Chí Minh bất ngờ có biển tên đường là Park Hang-seo. Hẳn là một người dân ở đây đã quá yêu mến ông thầy người Hàn Quốc và đã quyết định đặt tên cho con đường (thực chất là một ngõ hẻm) tên vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Tất nhiên, cái biển tên đường này sau đó đã phải gỡ xuống.

Có nên quá khắt khe?

Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định này “Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng” đã có những quy định rất rõ việc đặt tên đường - phố.

Tại mục “đặt tên đường phố”, Quy chế đã quy định: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận. Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng”.

Vấn đề ở đây là những ý kiến ở cấp độ nào? Năm 2014, Hà Nội cũng đã rất lúng túng khi quyết định đặt tên hai con đường là Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông sau khi một số nhà nghiên cứu đã có ý kiến rằng đóng góp của hai nhân vật lịch sử này không lớn, nhà Mạc trước đây còn gọi là ngụy triều, coi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Thậm chí nhà Mạc còn để lại nghi án dâng đất cho nhà Minh để bảo vệ ngôi báu, lưu lại tiếng xấu muôn đời.

Tuy nhiên, sau đó, UBND TP.Hà Nội đã có những giải trình với những đánh giá lịch sử theo hướng khách quan, hiện đại hơn và cuối cùng hai con đường chạy song song nhau ở khu vực quận Cầu Giấy từ năm 2015 mang tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông. Điều này cho thấy việc đánh giá lịch sử cần khoa học nhưng không nên cứng nhắc nhất là việc chọn tên cho những con đường.

Tại Đà Nẵng, mới đây UBND thành phố Đà Nẵng đã lấy ý kiến về đặt và đổi tên đường, trong đó điểm đáng chú ý là thành phố dự kiến lấy tên 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina - 2 người được coi là “ông tổ” chữ quốc ngữ đặt tên cho 2 tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng trong số 137 đường.

Nhưng ngay sau đó, một nhóm trí thức Huế gồm 12 người, do PGS.TS Lê Cung, khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế, đứng đầu đã gửi một bản kiến nghị đến Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là do Alexandre de Rhodes.

Nhóm trí thức này cho rằng: Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.

Do còn có tranh cãi, Sở Văn hóa Thông tin thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND thành phố Đà Nẵng chưa đặt tên đường lần này đối với 2 linh mục nói trên do “do còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa có sự đồng thuận cao”.

Điều trớ trêu là trong khi Đà Nẵng “ngập ngừng” thì TPHCM đã đặt tên Alexandre de Rhodes cho một con đường của mình từ lâu.

Trong cuộc tranh cãi này, có ý kiến cho rằng, ngay cả khi hai ông không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ thì hai cuốn sách từ điển Bồ - Việt và đặc biệt là Việt-Bồ-La đã là những công trình đáng vinh danh; tác giả của những cuốn sách trên xứng đáng đặt tên đường rồi.

Trao đổi với Lao Động, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội đồng đặt tên đường thành phố Đà Nẵng - cho biết: “Có hơn 100 ý kiến gửi qua trang web của sở và đường văn thư. Trong đó có ý kiến nhiệt liệt hoan nghênh thành phố Đà Nẵng, cho rằng việc đặt tên đường hai linh mục nói trên là hành động tri ân, uống nước nhớ nguồn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hai linh mục nói trên tạo ra chữ quốc ngữ ban đầu với mục đích không tốt là truyền giáo và bản thân cá nhân hai linh mục thời điểm đó cũng không tốt. Đặc biệt là bản kiến nghị phản đối của nhóm PGS.TS Lê Cung”.

Với tư cách giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng có ý kiến với lãnh đạo thành phố là tạm dừng vì nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên với tư cách cá nhân, ông cho rằng những nhận định của nhóm PSG.TS Lê Cung trong bản kiến nghị là “áp đặt, gán ghép, chưa thuyết phục. Lấy ví dụ Linh mục Alexandre de Rhodes có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 17, trong khi thực dân Pháp xâm lược nước ta tận đầu thế kỷ 19, tức hơn 250 năm sau. Bây giờ gán ghép hai sự kiện đó lại với nhau là khiêm cưỡng”.

Một số quy định về đặt tên đường

Điều 17 Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 của Chính phủ quy định: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: Thành lập Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên; lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn (Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn học nghệ thuật...), các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và các nhà khoa học. Cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp tại các kỳ họp thường kỳ hàng năm. Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đối với đô thị loại đặc biệt phải lấy ý kiến Bộ Văn hoá - Thông tin trước khi trình Hội đồng nhân dân xem xét ra Nghị quyết.

Tại Điều 10 Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 các tên sẽ được lựa chọn từ: Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt; Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội; Tên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương; Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Việc dừng đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina của Đà Nẵng “do còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa có sự đồng thuận cao” nên hiểu là một thái độ thận trọng, lắng nghe chứ không phải là xét lại lịch sử.

Theo thống kê hiện nay toàn thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên vô nghĩa.

Bên cạnh đó, qua rà soát, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển thông tin, hiện toàn thành phố có 38 tên đường viết sai tên danh nhân văn hóa, lịch sử của dân tộc cần phải sửa lại. Nhiều nhất là ở quận 1 và quận 5 có 7 đường, tiếp đến là quận Bình Tân có 4 đường, quận 4 và 11 có 3 đường,...

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cho biết, cần thay đổi tư duy mới trong cách đặt tên đường.

Theo bà Trân, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển đã báo cáo UBND TPHCM đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP. HCM - Khảo sát hiện trạng và giải pháp đến năm 2020”.

UBND TP. HCM cũng đề nghị các thành viên trong Hội đồng đặt tên đường cần rà soát lại những tên đường trùng nhau, tên đường không mang ý nghĩa, tên đường không đúng với quy định,... để tổng hợp báo cáo và có phương án xử lý thích hợp.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Thỉnh nguyện thư không làm thay đổi việc dừng đặt tên đường

Hoàng Văn Minh |

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nhận được thỉnh nguyện thư của các trí thức gởi đến về việc nên đặt tên đường 2 "ông tổ" chữ Quốc ngữ là Linh mục Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên thỉnh nguyện thư này không làm thay đổi được quyết định tạm dừng.

Những ai kiến nghị Đà Nẵng không đặt tên đường "ông tổ" chữ Quốc ngữ?

Hoàng Văn Minh |

Ngoài PGS.TS Lê Cung đến từ Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế, còn có 11 người khác tham gia ký tên vào bản kiến nghị gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 "ông tổ" chữ Quốc ngữ là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina.

Vì sao nhóm trí thức Huế phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes?

Hoàng Văn Minh |

Luận điểm mở đầu của PGS.TS Lê Cung và nhóm trí thức Huế viết trong bản kiến nghị gửi Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là do Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.

Bắt giam Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

TRUNG DU |

Thái Bình - Ông Vũ Văn Hạnh (54 tuổi), Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Mục sở thị phố ẩm thực Hàn Quốc ngay giữa Hà Nội

Linh Boo |

Ghé khu K-Town ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), du khách có thể thưởng thức ẩm thực tại những quán ăn chuẩn vị Hàn Quốc, và đứng “đâu cũng có ảnh đẹp”.

Tất cả mẫu nước sau vụ vỡ đập thải ở Bắc Kạn đều không đạt

Việt Bắc |

10/10 mẫu nước lấy tại Tuyên Quang xét nghiệm sau vụ vỡ đập bùn thải của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đều không đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sinh hoạt.

Thông tin chính thức vụ thân mật trong lớp học ở Long Biên

KHÁNH AN |

Hà Nội - Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, cô giáo xuất hiện trong clip ở Long Biên ít kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém.

CLB Hoàng Anh Gia Lai bị Đà Nẵng cầm hòa trên sân khách

NHÓM PV |

Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai chỉ có 1 điểm sau trận hòa 1-1 trước SHB Đà Nẵng trên sân Hòa Xuân tại vòng 4 LPBank V.League 2024-2025 tối 3.10.

Thỉnh nguyện thư không làm thay đổi việc dừng đặt tên đường

Hoàng Văn Minh |

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nhận được thỉnh nguyện thư của các trí thức gởi đến về việc nên đặt tên đường 2 "ông tổ" chữ Quốc ngữ là Linh mục Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên thỉnh nguyện thư này không làm thay đổi được quyết định tạm dừng.

Những ai kiến nghị Đà Nẵng không đặt tên đường "ông tổ" chữ Quốc ngữ?

Hoàng Văn Minh |

Ngoài PGS.TS Lê Cung đến từ Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế, còn có 11 người khác tham gia ký tên vào bản kiến nghị gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 "ông tổ" chữ Quốc ngữ là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina.

Vì sao nhóm trí thức Huế phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes?

Hoàng Văn Minh |

Luận điểm mở đầu của PGS.TS Lê Cung và nhóm trí thức Huế viết trong bản kiến nghị gửi Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là do Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.