Ngày 18.7, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai nhiều dự án như mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ huyện Hàm Thuận Nam, xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi Điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Mới đây nhất là chương trình thả rạn, chà tại các xã Tân Thành, Tân Thuận và Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.
Đến tháng 7.2023, các dự án đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả lặn biển khảo sát gần đây cho thấy, nguồn lợi sò lông con phân bố dày tại vùng biển Suối Nhum; phát hiện nhiều bãi ốc con và bãi trứng ốc vôi trên diện tích lớn tại các xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận.
Nhiều loài hải sản sinh sống quanh chân rạn đá ngầm; các loài san hô mềm nảy nở, phát triển rất nhiều tại Mũi Ngựa, Đá Nhảy, Hòn Lan. Tại các điểm rạn nhân tạo, nhiều loài hải sản như cá mú, cá chình, cá gáy, mực, bạch tuộc… đã tập trung về sinh sống bên trong và xung quanh, nhất là các loại mực về đẻ trứng bám dày trên các lồng đá.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, tất cả các dự án đều đạt mục tiêu quan trọng nhất là phục hồi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển này. Kèm theo sự phục hồi của các cá thể tại đáy biển khu vực đó là rong tảo, san hô cũng phục hồi kéo theo hàng loạt hải sản phục hồi.
Chia sẻ với phóng viên, ngư dân Đồng Văn Triễm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam tham gia mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo vệ sinh thái ven biển xã Thuận Quý luôn nêu cao tâm nguyện bảo tồn và phát triển các loài thủy sản tại địa phương để sau này con cháu còn có nguồn lợi thủy sản phong phú để khai thác.
Để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho UBND 2 huyện Hàm Thuận Nam và Tuy Phong phối hợp với sở, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức cộng đồng duy trì, phát huy kết quả các dự án thí điểm mô hình đồng quản lý trên địa bàn.
Đồng thời, tiếp tục củng cố, hoàn thiện mô hình quản lý theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người dân, tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khu vực biển được trao quyền đồng quản lý.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm thời gian qua và cơ chế chính sách hỗ trợ đồng quản lý do Trung ương ban hành để xây dựng Đề án nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ, trình UBND tỉnh xem xét.