Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt còn hạn chế chính là do chế độ dinh dưỡng và quá trình rèn luyện thể lực chưa đạt yêu cầu và hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu cho thấy người Việt thuộc nhóm thấp nhất thế giới
Theo bảng số liệu do WPR mới công bố, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam trưởng thành chỉ là 162,1cm; lùn thứ 4 thế giới và chỉ xếp trên các quốc gia Indonesia (158cm), Bolivia (160cm) và Phippipines (161,9cm). Thậm chí, theo danh sách này, người Việt Nam còn thấp hơn cả Campuchia khi chiều cao trung bình của nam giới nước này là 162,5cm. Trong top 10 các quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới còn xuất hiện một số nước khác thuộc khu vực Châu Á, Châu Phi mà Mỹ Latinh với chiều cao trung bình của nam giới trưởng thành lần lượt là: Nepal (163cm), Ecuador (163,5cm), Sri Lanka (163,6cm), Nigeria (163,8cm) và Peru (164cm).
Ở chiều hướng ngược lại, bảng xếp hạng của WPR cũng cho biết, những quốc gia có chiều cao trung bình tốt nhất thế giới hoàn toàn ở Châu Âu. Người Hà Lan dẫn đầu về độ cao lớn trên thế giới với chiều cao trung bình của nam giới trưởng thành là 183,8cm, tiếp đến là Montenegro (183,2cm), Đan Mạch (182,6cm) và Na Uy (182,4cm).
Bảng số liệu của WPR cũng cho thấy sự chênh lệch chiều cao khá lớn của người Việt Nam so với các nước ở Châu Á. Theo đó, người Hàn Quốc có chiều cao trung bình của nam là 170,7cm, nữ là 157,4cm. Nam giới Nhật Bản cao trung bình 172cm, nữ giới cao trung bình 158cm. Con số này ở Trung Quốc ở nam và nữ lần lượt là 169cm và 158cm.
Theo báo cáo của UNICEF, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ thấp còi đứng đầu Đông Nam Á với tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi chiếm 23,8% với nguyên nhân hàng đầu là do thiếu dinh dưỡng. UNICEF cũng đưa ra con số hơn 230.000 trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng hàng năm. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thấp còi và tử vong.
Trước đó, dựa trên dữ liệu từ dự án NCD Risk Factor Collabawn của Đại học Hoàng gia London, Anh Quốc, trong một bài viết hồi tháng 6 năm nay trên tờ Insider, công bố Việt Nam lùn thứ 15 thế giới với con số trung bình 159,01cm. Đàn ông cao trung bình 164,44cm và phụ nữ 153,59cm.
Năm 2017 theo con số từ Viện Y học ứng dụng Việt Nam đứng trong top 20 nước lùn nhất thế giới. Cụ thể, nam giới đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164,4cm, nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 với chiều cao trung bình là 153,6cm, tương đồng với công bố trên Insider.
Nhiều năm liền chưa có cải thiện rõ rệt
Theo số liệu Tổng điều tra và giám sát dinh dưỡng, năm 1975, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam là 160cm ở nam giới và 150cm ở nữ giới. So sánh số liệu năm 1875 và năm 1937 với số liệu năm 1975, chiều cao người Việt Nam không thay đổi gì trong suốt thời gian này.
Năm 2000, chiều cao nam thanh niên là 162,3cm và nữ là 152,4cm (tăng 2,2cm trong 25 năm). Năm 2000 đến năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4cm và nữ 153,4cm (tăng 2,1cm ở nam giới trong 16 năm).
Mức cao nhất đạt đến của thanh niên Việt Nam nằm ở nhóm tuổi 20 - 24. Tính riêng ở các thành phố lớn thì nam giới cao 167,4cm và nữ 154,7cm, người ở vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1cm và nữ 153,2cm. Sự tăng trưởng chiều cao này thể hiện rõ nhất ở trẻ em. Năm 2000, chiều cao trẻ trai 5 tuổi ở Việt Nam là 100,6cm thì năm 2010 là 109,9cm.
Công bố năm 2018 cho thấy, trong vòng 25 năm (1993 - 2018) chiều cao của người Việt tăng 3cm và hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuy nhiên, chiều cao này khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164,4cm, thua 8cm so với Nhật Bản và 10cm so với Hàn Quốc, ở nữ là 153,4cm, thấp hơn chuẩn chung trên 10cm. Trong 30 năm qua, người Việt Nam có cao lên nhưng không nhanh, 10 năm chỉ cao thêm được 1cm.
Trao đổi với Lao Động, GS-TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết: “Hiện tại, chiều cao chúng ta ngang với Philippines và Indonesia, thấp hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Tuy vậy, mức tăng chiều cao 3cm là tương đối dài. Từ năm 1875 đến 1975, do chiến tranh nên chiều cao tất cả các nước như nước ta đều không tăng. Từ năm 1975 đến 2000, chiều cao nước ta tăng chậm nhưng từ năm 2000 đến năm 2010, chúng ta tăng nhanh lên 2,2cm, tương đương với Nhật Bản ở thời kỳ hưng thịnh nhất”.
Theo các chuyên gia y tế, 50% nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt còn hạn chế chính là do chế độ dinh dưỡng và quá trình rèn luyện thể lực chưa đạt yêu cầu và hiệu quả. “Chiều cao người Việt tăng chậm hơn so với các nước, tuy nhiên đang có xu hướng tăng nhanh và hứa hẹn các thế hệ sau sẽ tiếp tục tăng” - ông Tuyên nói.
Còn tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho rằng, tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy câu chuyện về tầm vóc gần đây. Người dân thừa nhận so với thế hệ trước trẻ con thế hệ sau được nuôi dưỡng chăm sóc tốt hơn khi đời sống kinh tế thay đổi. Dưới góc độ dinh dưỡng, ông Hưng cho hay các con số thay đổi rất rõ. Theo đó, suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ khoảng 38,7% năm 1999 xuống còn 23,8% vào năm 2017.
“Câu chuyện chiều cao có những yếu tố không can thiệp được là gen, chủng tộc. Yếu tố can thiệp được là dinh dưỡng, dinh dưỡng đúng thời điểm, lối sống, môi trường, hoạt động thể lực. Vì thế, tất cả là cả quá trình và chúng ta nên kiên trì” - ông Hưng nhấn mạnh.
Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia đạt được thành tựu to lớn về cải tạo chiều cao thân thể của dân tộc. Về dinh dưỡng, ngay từ những năm 1945, chính phủ Nhật đã tổ chức bữa ăn trưa cho tất cả học sinh tiểu học, mẫu giáo. Họ tiến hành nghiên cứu để đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng và hướng dẫn toàn dân thực hiện theo. Nhật Bản rất chú trọng phát triển và đầu tư cao cho thể dục thể thao trường học. Để có tác dụng trực tiếp, góp phần tăng chiều cao thân thể, Nhật đã nghiên cứu và hướng dẫn những loạt bài tập thể dục đặc hiệu tập vừa sức, vận động toàn thân, đặc biệt vận động chi dưới, kéo dãn cơ thể.
Giải pháp nào để tăng chiều cao?
Năm 2011, Việt Nam đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Đề án xây dựng các chỉ số sinh học và tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc, đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc như đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi, phát triển thể lực, tầm vóc bằng cách tăng giáo dục thể chất đối với học sinh 3 - 18 tuổi... Kinh phí của đề án được phê duyệt khoảng 6.000 tỉ đồng.
Năm 2016 Chính phủ cũng phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Hàng triệu trẻ em tại nhiều tỉnh thành đã được uống sữa miễn phí.
Năm 2018, Bộ Y tế phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về công tác dinh dưỡng. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực, khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, chăm sóc dinh dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời.