Gõ cửa từng nhà
Vừa qua, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 13 (phường Kim Liên, quận Đống Đa) Nguyễn Thị Kim Liên đến từng nhà để kê khai, lên danh sách những người thuộc diện hỗ trợ. Là tổ trưởng tổ dân phố mấy chục năm, bà Liên nắm trong tay từng hoàn cảnh của các hộ gia đình. Tuy nhiên, bà Liên cho biết: “Việc xác định nhóm đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn”.
Người bán hàng rong, bốc vác, bán vé số, lái xe xích lô,… thuộc diện lao động tự do được hỗ trợ. “Tuy nhiên, những tiêu chí, điều kiện cụ thể ra sao để xác định lao động tự do thì vẫn đang chờ hướng dẫn. Vì vậy, 50 lao động tự do mà dưới tổ dân phố xác định được chỉ là rà soát ban đầu” - bà Liên nói.
Địa bàn khá rộng, nên ngoài tổ trưởng tổ dân phố 12 (phường Yên Hoà, Cầu Giấy) thì có thêm 2 người trong chi bộ được cắt cử đi thống kê. Sau khi nhận được yêu cầu thực hiện rà soát các trường hợp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ phường, tổ trưởng tổ dân phố đã dán thông tin ở bảng tin. Sau đó, tiến hành đến từng nhà rà soát, kê khai cụ thể theo biểu mẫu có sẵn. Trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Khắc Kháng - Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Yên Hòa nhận thấy khó nhất là thống kê nhóm lao động tự do mất việc làm.
“Khi có những người lao động nghỉ làm từ lâu cũng yêu cầu phải kê khai vào. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, tổ dân phố cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế, thực hiện kê khai chặt chẽ, kiểm chứng từ nhiều nguồn và ghi rõ nghỉ việc trong thời gian nào. Qua đó, tổ 12 đã tổng hợp được 43 trường hợp lao động tự do gặp khó khăn” - ông Kháng nói.
Cũng trao đổi với PV, bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hoà (Cầu Giấy) cho hay, phường đã triển khai việc rà soát các nhóm đối tượng đến từng tổ dân phố. Những người thuộc diện hộ nghèo, chính sách, người có công với cách mạng thì địa phương đã có danh sách sẵn. Tuy nhiên, khó khăn nhất việc rà soát đối tượng người lao động tự do bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19. Hiện nay, phường đã hoàn thiện thống kế danh sách để báo cáo lên quận.
Mò mẫm rà soát lao động tự do
Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cho biết, hiện nay, số lượng rà soát các nhóm đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ gửi về Sở chỉ đạt khoảng 50% so với yêu cầu. Trước đó, Sở giao Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thống kê các đối tượng lao động trong các doanh nghiệp (DN), đơn vị sử dụng lao động thuộc địa bàn quản lý. Hiện, trên địa bàn thành phố có 240.000 DN, quan điểm của Chính phủ không được bỏ sót đối tượng nên phải rà soát từng DN bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động thống kê nhóm đối tượng, trong đó khó khăn nhất là lao động tự do. Hiện nay, địa phương vẫn chờ hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành về tiêu chí xác định cụ thể. “Vì vậy, các quận, huyện vẫn đang mò mẫm rà soát nhóm đối tượng này nên rất phức tạp” - ông Dân nói.
Lãnh đạo phòng LĐTBXH quận Đống Đa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐTBXH Hà Nội, quận Đống Đa đã tiến hành rà soát trên toàn bộ địa bàn, lập danh sách sơ bộ những đối tượng được hưởng trợ cấp từ gói 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Đến nay, kết quả rà soát cho thấy, toàn quận có 2.037 lao động nghỉ việc không lương do dịch COVID-19, số người không đủ điều kiện hưởng Bảo hiểm thất nghiệp là 2.388 người, đối tượng người có công là 4.017 người, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội là 3.807 người, 259 hộ nghèo và 233 hộ cận nghèo.
Phòng LĐTBXH quận Đống Đa cho rằng: “Trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ thì nhóm lao động tự do là phức tạp nhất trong quá trình rà soát. Nhóm này hiện nay không khống chế độ tuổi, mới chỉ quy định hộ khẩu thường trú, mức thu nhập trung bình theo chuẩn nghèo năm 2016-2020. Nếu không quy định độ tuổi cũng sẽ có những bất cập. Đơn cử như một cụ già 80 tuổi, bán trà đá là công việc chính đem lại thu nhập cho cả gia đình nhưng đã quá tuổi lao động, thì cụ già có được nhận trợ cấp theo nhóm lao động tự do hay không?”.
Lãnh đạo phòng LĐTBXH quận Đống Đa đánh giá, vai trò của tổ trưởng các tổ dân phố vô cùng quan trọng trong việc triển khai rà soát. Họ là người nắm rõ những đối tượng nào được thụ hưởng. Nếu từ khâu này để xảy ra tình trạng bỏ sót đối tượng rất khó cho cơ quan Nhà nước xác nhận. Sau khi rà soát, sẽ đến những bước để công khai minh bạch thông tin, đảm bảo hỗ trợ đúng người đúng việc.
Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Dự thảo Quyết định quy định về thủ tục, điều kiện nhận hỗ trợ của các nhóm đối tượng thụ hưởng.