Trong đó, có 2 huyện toàn xanh là huyện Phú Tân và huyện Đầm Dơi; TP Cà Mau có nhiều xã vùng vàng nhất (6/17 xã).
Cà Mau cũng nới lỏng một số hoạt động sau khi có nhiều xã vùng xanh. Cụ thể, đối với nhà hàng/quán ăn, uống ở xã vùng xanh hoạt động bình thường; xã vùng vàng hoạt động mỗi bàn không quá 4 người.
Đối với cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao (vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc - bao gồm cắt tóc, làm đẹp, spa, phòng tập gym, yoga, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ, bia) ở xã vùng xanh dừng vũ trường và quán bar; các loại hình còn lại được hoạt động nhưng không vượt quá sức chứa tối đa.
Các xã vùng vàng dừng vũ trường, quán bar, Internet, trò chơi điện tử; các loại hình còn lại được hoạt động nhưng không tập trung quá 50% sức chứa tối đa cùng một thời điểm.
Trước tình hình số F0 giảm (hiện F0 chủ yếu điều trị tại nhà), Cà Mau cho tạm dừng tiếp nhận F0 ở 2 bệnh viện dã chiến (số 2 và số 5) nhưng vẫn giữ nguyên cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy hoạt động dự phòng trường hợp F0 tăng cao dịp Tết Nguyên đán; khi cần thiết sẽ cho kích hoạt lại.
Công tác phòng chống dịch trước trong và sau Tết, tỉnh Cà Mau xây dựng các phương án (ít nhất 03 phương án) đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong Tết Nguyên đán (ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện), báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 20.01.2022, gồm: Phương án ứng trực Tết; Phương án điều trị F0 có triệu chứng và F0 bệnh nặng trong dịp Tết Nguyên đán; Phương án phòng, chống dịch cao điểm trong dịp Tết. Riêng Phương án điều trị F0 có triệu chứng và F0 bệnh nặng trong dịp Tết Nguyên đán Sở Y tế xây dựng Kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hiện tại, mỗi ngày tỉnh Cà Mau giảm số F0 trung bình khoảng 300-400 ca. Tính đến nay tỉnh này đã có 48.239 ca mắc COVID-19, hiện đang điều trị 5.877 ca, chủ yếu điều trị tại nhà.