Đời sống người dân thay đổi từng ngày
Những ngày đầu năm 2021, từ trung tâm TP Hòa Bình, PV Báo Lao Động di chuyển theo đường tỉnh 433 đến huyện Đà Bắc. Tại khu vực ven lòng hồ theo quan sát, con đường bê tông đang được dần hoàn thiện để phục vụ việc đi lại của người dân. Đã có nhiều ngôi nhà, hàng quán mới mọc lên san sát, hấp dẫn khách thăm quan du lịch.
Men theo con đường bê tông, PV dừng chân tại một Homestay ở có địa chỉ ở xóm Ké, xã Hiền Lương, Homestay này có vị trí “thiên thời, địa lợi” nằm trên đỉnh đồi với nhiều bụi tre xanh bao quanh.
Chị Quách Thị Yên chia sẻ: “Trước đây, con đường từ trung tâm huyện vào trong xã đi lại rất khó khăn, mặt đường gồ ghề, bụi bẩn. Vào mùa mưa, để đến các xóm khu vực lòng hồ phải mất cả tiếng đồng hồ. Với tình hình giao thông trắc trở, hàng hóa và các nhu yếu phẩm tới bà con sinh sống nơi lòng hồ vừa đắt vừa khan hiếm nên chủ yếu là tự cung tự cấp.
Giờ đây, đường được nâng cấp, đường bêtông đang được mở rộng nên việc giao thương, đi lại thuận tiện, đời sống của bà con tại khu vực cũng dần được nâng cao.
Vẻ mặt niềm nở, chị Yên vừa cười vừa nói: “Mấy năm trước, do làm ăn khó khăn nên gia đình tôi cũng thuộc diện hộ cận nghèo trong xã chú ạ!
Khu vực đất làm homestay bây giờ trước đó chủ yếu là dùng để chăn nuôi trâu bò… chỗ nào khoanh được thì trồng thêm rau cỏ để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày".
Ông Xa Văn Đạm, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết, trên địa bàn hiện có 3 hộ làm dịch vụ du lịch, vào những ngày lễ ngày tết cũng như những ngày cuối tuần đều rất đông khách tuy nhiên vẫn chưa có quy mô.
Theo ông Đạm, xã Hiền Lương là một trong những xã nằm quanh ven hồ thủy điện Hòa Bình nên có những điều kiện rất phù hợp để phát triển các ngành du lịch.
"Do trên địa bàn xã chủ yếu là dân tộc Mường chiếm 70% dân số, nên chúng tôi có tổ chức các tour du lịch văn hóa văn nghệ, văn hóa ẩm thực theo phong tục tập quán của dân tộc tại địa phương và theo yêu cầu của khách du lịch", ông Đạm cho biết.
"Trước đây chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, sau đó chuyển đổi sang nuôi cá lồng. Còn định hướng sau này của xã là phát triển du lịch. Cách đây 5 năm, đường xã đi lại khó khăn. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, bà con nhân dân dần chuyển đổi từ trồng trọt, chăn nuôi sang các ngành dịch vụ du lịch.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2015-2016 là 14 đến 15 triệu/1 người nhưng đến năm 2020 đã đạt được 36 triệu/1 người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là hơn 37% nhưng đến thời điểm hiện tại năm 2020 đã giảm xuống còn 12%". - ông Đạm chia sẻ.
Thúc đẩy tiềm năng du lịch
Theo bà Bùi Hồng Anh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Đà Bắc cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế, trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Huyện đã có nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch như hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực cho các homestay trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Huyện Đà Bắc có 13 xã nằm ven hồ của thủy điện Hòa Bình. Đây cũng là cơ hội và lợi thế để phát triển ngành du lịch tại địa phương, đặc biệt là du lịch lòng hồ.
Từ năm 2017, huyện Đà Bắc cũng đã xây dựng đề án phát triển ngành du lịch của huyện từ năm 2020 tầm nhìn năm 2030 và đề án cũng đã được phê duyệt. Sau 3 năm triển khai du lịch Đà Bắc cũng đã có những bước khởi sắc.
Theo bà Hoa, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các điểm du lịch cộng đồng trọng điểm tại các xã Hiền Lương, Tiền Phong và Cao Sơn, phát huy những lợi thế vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, huyện Đà Bắc còn có định hướng phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá bởi trên địa bàn còn có nhiều hang động hoang sơ chưa được khai thác.
Với định hướng như vậy, chỉ tính riêng năm 2020, huyện Đà Bắc đã đón hơn 90 nghìn lượt khách (trong và ngoài nước) doanh thu từ du lịch đạt 30 tỉ đồng. Nhờ phát triển du lịch đã tạo sinh kế cho người dân, đổi mới tư duy nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng đảm bảo chất lượng và có thương hiệu.