Sụt lún tại TPHCM: Nhiều công trình bị "nhấc bổng" khỏi mặt đất

PHƯƠNG NGÂN |

TPHCM - Tình trạng sụt lún tại TPHCM đã và đang rơi vào tình trạng báo động. Nhiều con đường, ngõ hẻm tại TPHCM sụt lún nghiêm trọng, các công trình bị "nhấc bổng" khỏi nền đất, có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân trong khu vực và tình trạng ngập nước thường xuyên.

Đường, nhà dân lún sụt khiến ngập nước thường xuyên

Ghi nhận của Lao Động tại hẻm 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, quận Bình Thạnh, chân bức tường bao quanh một tòa nhà cao tầng chỉ sau vài năm đã chênh lệch với mặt đất khoảng 30cm, bên dưới hở hàm ếch. Người dân nơi đây cho biết, tình trạng sụt lún này diễn ra chỉ vài năm trở lại đây, do nước ngập cuốn trôi theo đất bên dưới làm nền đất sụt lún.

 
Nền đất tại hẻm 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh sụt lún khá sâu, khiến chân tường của một công trình bị nhấc bổng lên cao. Ảnh: PN

"Ngày xưa ở đây không lún. Từ khi nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, ở đây bị lún và ngập nhiều. Mỗi lần nước ngập, nước xoáy mạnh cuốn trôi đất đi theo nên nơi đây mỗi lúc một lún. Tình trạng này nếu kéo dài, chỉ trong một thời gian nữa nền móng của các công trình cao tầng xung quanh không có chỗ bám sẽ nghiêng đổ, rất nguy hiểm" - chị Nguyễn Thị Thúy Hà (ngụ hẻm 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) phản ánh.

 
Nền đất bị sụt lún có thể dễ dàng nhìn thấy phần móng của một công trình tường bao quanh tòa nhà cao tầng. Ảnh: PN

Còn chị Hồ Thị Hiên (ngụ hẻm 89, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) cho hay, vài tháng trở lại đây, nền nhà của chị xảy ra tình trạng bị sụt, nghiêng về một bên. "Tôi thấy nền nhà phía sau bị sụt, nghiêng về một bên, nhiều lúc đi qua muốn té. Phía trước, bậc tam cấp cũng bị nứt, còn trời mưa nước ngập lội bì bõm" - chị Hiên nói.

Trước đó, vào năm 2003, UBND TPHCM đã nhờ Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định chất lượng đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ sau một năm con đường này đưa vào sử dụng. Quá trình kiểm định cho thấy, mặt đường bị lún từ 5cm đến khoảng 1m.

Tình trạng sụt lún không chỉ diễn ra trên đường Nguyễn Hữu Cảnh mà còn xảy ra tại nhiều nơi khác trên địa bàn TPHCM.

 
Ngập nước ở hẻm 89, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Ảnh: NDCC

Tại cầu vượt bộ hành số 3, đường Võ Văn Kiệt, quận 8, bó vỉa dưới chân cầu vượt bộ hành đều bị nứt và tuột xuống. Nền đất tại các trụ cầu cũng cao hơn hẳn so với vùng đất xung quanh, tạo thành điểm trũng dưới chân cầu.

Ở một nơi khác, nhà bà Ngô Thị Hai nằm trong một con hẻm trên địa bàn phường Tam Phú, TP.Thủ Đức cũng rơi vào tình trạng sàn nhà bị lún, kéo theo đó là tường nứt, mỗi khi mưa đến, nhà bà cũng chìm trong biển nước.

Mỗi năm TPHCM sụt lún nền đất từ 2-6cm

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa có Báo cáo kết quả khảo sát liên quan đến các giải pháp ứng phó với vấn đề sụt lún nền đất tại TPHCM. Theo đó, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS) đã tiến hành khảo sát, quan trắc cho thấy, độ lún trung bình hằng năm tại TPHCM là 2cm, có nơi lún 6cm; độ lún tích luỹ từ 2005 - 2017 của thành phố (TP) là 23cm, nơi nhiều nhất lún 81cm (phường An Lạc, quận Bình Tân).

Khảo sát còn cho thấy, có 10 quận tại TPHCM có mức độ sụt lún đáng kể, gồm: Quận 2 cũ, quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân và quận Thủ Đức cũ. Quận Tân Bình và quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất.

 
 
Cầu bộ hành số 3, đường Võ Văn Kiệt trong tình trạng lún sụt, nứt. Ảnh: PN

Ngoài ra, khảo sát của JICA cũng phỏng vấn các đơn vị chuyên môn khác, các đơn vị này đánh giá tình trạng sụt lún tại TPHCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy ước tính khoảng 100cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5 cm/năm. Ở những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8cm/năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng 2 lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm).

Từ các kết quả trên, JICA cho rằng, sụt lún tại TPHCM được coi là vấn đề nghiêm trọng hơn, cần phải xem xét các giải pháp ứng phó ngay để kiểm soát tình trạng sụt lún nền. Các giải pháp ứng phó sụt lún nền cần được thực hiện trong thời gian dài, cần thực hiện chuyển giao công nghệ.

Và một trong những kế hoạch hàng đầu là kiểm soát khai thác nước ngầm quá mức, vì đây được coi là một trong những nguyên nhân gây sụt lún nền.

Dựa trên kinh nghiệm về xử lý sụt lún nền tại Tokyo và hợp tác xử lý lún tại Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), JICA đề xuất hợp tác với TPHCM nhằm đánh giá toàn diện, giải quyết vấn đề sụt lún tại TPHCM.

Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tại TPHCM có tổng số 342.657 giếng nước ngầm (bao gồm cả giếng chưa đăng ký). Tính theo số lượng, các giếng nước ngầm hầu hết nằm ở các khu vực đô thị có tình trạng sụt lún nghiêm trọng, tức các quận 6, 8, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình và Bình Tân. Ngoài ra, các giếng cũng phân bổ ở khu Đông Bắc (TP.Thủ Đức).

Hiện tại, lượng nước ngầm khai thác bình quân hằng ngày để sử dụng cho công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, và các mục đích sử dụng khác khoảng 600.000m3/ngày, bao gồm cả lượng nước khai thác từ các giếng chưa đăng ký.

PHƯƠNG NGÂN
TIN LIÊN QUAN

Sụt lún tại TPHCM: "Bây giờ không khắc phục, mai mốt sẽ lún nhiều nữa"

PHƯƠNG NGÂN |

TPHCM - Tình trạng sụt lún tại TPHCM đã được cảnh báo nhiều năm qua là rất phức tạp. Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế việc sụt lún nhưng vẫn chưa cải thiện. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại khi vấn đề sụt lún càng diễn ra nghiêm trọng hơn.

Quảng Ninh: Tiếp tục sụt lún, nứt gãy nghiêm trọng khu dân cư ở đồi Tên Lửa

Trần Ngọc Duy |

Quảng Ninh - Do ảnh hưởng của bão số 3 Ma-on, nhiều địa phương ở Quảng Ninh xuất hiện mưa lớn từ chiều tối 25.6 kéo dài đến sáng nay, khiến cho khu vực dân cư tại đồi Tên Lửa (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long) tiếp tục có dấu hiệu sụt, lún, nứt gãy nghiêm trọng. Trước đó, 14 hộ dân ở đây buộc phải di dời khẩn cấp do nhà bị nghiêng, nứt, sụt lún bởi quá trình khai thác đất sét của Công ty CP Viglacera Hạ Long.

Mưa kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ khiến 67 tuyến đường TPHCM ngập sâu

HẠ MÂY |

TPHCM - Cơn mưa chiều ngày 15.8, kéo dài khoảng 2 giờ 30 phút đã gây ngập 67 tuyến đường tại TPHCM, khiến người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ngầm tràn ngập sâu, Quảng Bình cảnh báo dân không di chuyển

CÔNG SÁNG |

Do ảnh hưởng bão số 4, từ 7 giờ sáng 20.9, địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều ngầm tràn nước ngập sâu, chảy xiết và chia cắt cục bộ.

Bão số 4 Soulik suy yếu vẫn có thể tàn phá Thái Lan

Khánh Minh |

Bão số 4 Soulik dù đã suy yếu thành áp thấp nhưng dự kiến sẽ mang theo mưa lớn đến Thái Lan.

Ảnh hưởng thi công âu thuyền, nhà dân bị ngập sâu trong nước

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG |

Việc thi công công trình Âu thuyền Cái Khế đã khiến nhiều nhà dân tại TP Cần Thơ bị lún, nứt nghiêm trọng và ngập sâu trong nước.