Ám ảnh
Hơn 10 ngày về với vòng tay của gia đình, hiện sức khỏe của anh Huỳnh Xuân Phi (40 tuổi, thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn) đã ổn định. Giờ anh chỉ ở nhà phụ vợ sửa sang lại nhà cửa bị bão làm hư hỏng.
“Giờ tôi phụ vợ đi hái rong biển, rồi đi thả lưới gần biển kiếm cá để có tiền trang trải cuộc sống. Chắc tôi nghỉ nghề đi biển vì vợ tôi sợ, không cho đi nữa” - anh Phi mở đầu câu chuyện.
Anh Phi là một trong 3 ngư dân may mắn sống sót một cách kỳ diệu cùng anh Võ Văn Hoài (35 tuổi) và Lê Minh Don (20 tuổi, cùng ở xã Hoài Hải) sau khi tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm khi đi tránh bão số 9.
Trước đó, chiều 27.10, tàu cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô (41 tuổi, ở xã Hoài Hải) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng (trên tàu có 14 ngư dân) bị chìm khi đang di chuyển tránh trú bão số 9. Đến chiều 29.10, tàu M/V Fortune Iris (Hongkong) cứu được anh Hoài, Don, Phi rồi bàn giao cho tàu kiểm ngư KN 490. Sau đó, 3 ngư dân này xung phong ở lại để tiếp tục tìm kiếm 11 ngư dân còn lại trên tàu cá BĐ 97469 TS bị mất tích.
Đây là lần thứ 3, anh Phi gặp nạn trên biển. Lần đầu tiên cách đây đã hơn 10 năm, anh vì bức xúc chủ tàu nên ôm đồ xuống thúng chai rồi chèo vào bờ, bất chấp hiểm nguy. Lần thứ 2 cách đây vài năm, anh đi bạn (làm thuê cho chủ tàu cá), gặp áp thấp nhiệt đới, tàu cá bị tấp vào gành đá, may mà tàu cứu hộ đến kịp thời.
Vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên từ năm 14 tuổi, anh Phi đã đi bạn để kiếm sống. 25 năm lênh đênh trên biển, song thu nhập của anh cũng bấp bênh, khi trúng thì kiếm vài chục triệu, khi không có đồng nào.
“Tôi là lao động chính trong gia đình, phải kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ, cha già, còn vợ thì ở nhà lo chuyện chăm sóc con cái. Mỗi khi nhà hết tiền, vợ phải chạy đi vay mượn khắp nơi, đợi khi tôi đi biển về có tiền mới trả nợ” - anh Phi kể.
Sau chuyến biển kinh hoàng vừa qua, nhiều bà con hàng xóm đến hỏi thăm, tuy nhiên anh Phi từ chối kể lại vì bị ám ảnh. Anh cũng không dám nhìn mặt người thân của các ngư dân mất tích.
Cha già nén đau, thay con gánh vác gia đình
Không được may mắn như anh Phi, đã hơn 20 ngày sau khi đứa con trai duy nhất của gia đình mất tích trên biển, ông Nguyễn Văn Trúc - cha của ngư dân Nguyễn Văn Hoài, thuyền viên trên tàu cá BĐ 97469 - phải nén đau để lo toan cho cuộc sống của gia đình.
Anh Hoài đi biển gần 8 năm và hiện cũng là lao động chính trong gia đình. Khi anh mất tích, đứa con đầu mới hơn 1 tuổi, con thứ 2 còn chưa đặt tên. Trong đó, con đầu của anh bị bệnh tim và hở hàm ếch.
“Vợ của Hoài trước làm ở xí nghiệp may, nhưng từ khi có thai rồi sinh con nhỏ, nó đã nghỉ việc. Tôi làm thợ hồ, cố gắng kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu” - ông Trúc chia sẻ.
Theo số liệu của UBND xã Hoài Hải, toàn xã có 90% người dân sống bằng nghề biển. “Ở xã Hoài Hải, nếu nói thiệt hại về người và của trên biển thì không biết bao nhiêu mà kể. Mới đây nhất, cơn bão số 8 trong tháng 10 vừa qua, tàu của ông ông Lê Văn Ốm bị phá nước chìm mất hết tài sản, may mắn không có thiệt hại về người” - ông Phan Đạo Lập, cán bộ thống kê UBND xã Hoài Hải, cho hay.
Ông Trương Đề - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn - cho biết, trên địa bàn thị xã có hơn 2.000 tàu có công suất trên 90 CV. Trong tháng 10 vừa qua, có 6 tàu của ngư dân bị chìm trên biển.
“Hầu hết người dân vùng biển, đàn ông là trụ cột trong gia đình, còn phụ nữ chủ yếu ở nhà chăm con. Địa phương cũng đã hỗ trợ để nhà của những ngư dân mất tích ổn định cuộc sống” - ông Đề nói.