Từ vụ ngộ độc hàng loạt sau tiệc Trung thu (29.9) tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức, TPHCM), các chuyên gia khuyến cáo cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong các dịp lễ hội.
Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Chuyên khoa Nội – Tổng quát Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa MEDIC Hòa Hảo cho biết, hạn sử dụng không phải là vấn đề duy nhất dẫn đến ngộ độc thực phẩm, mà còn do cách bảo quản.
“Trong điều kiện bảo quản tốt, thực phẩm còn nguyên bao bì thì có thể không sao, nhưng thực phẩm đã bóc ra, để hở ngoài không khí, để qua ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển, gây ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt, đối với các đồ ăn dinh dưỡng cao như thịt cá, sữa là nơi vi khuẩn Staphylococcus aureus dễ sinh sôi và phát triển nhất”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Bác sĩ Phan Xuân Trung cũng cho biết thêm, tụ cầu trùng vàng Staphylococcus aureus hiện diện ở khắp nơi trên bề mặt da, mũi, họng nên dễ có khả năng bám vào thực phẩm và sinh độc tố enterotoxin.
“Độc tố enterotoxin mọc từng nhóm, có màu vàng, thường không thể nhìn thấy được, chỉ khi thực phẩm được để bên ngoài nhiều ngày mới có thể quan sát bằng mắt thường.
Khi ăn phải độc tố enterotoxin, độc tố sẽ phát tán trong cơ thể, ruột phản kháng bằng cách gây tiêu chảy dẫn đến mất điện giải và thậm chí là tử vong”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Tại buổi họp khẩn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vào ngày 4.10, bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thông tin, có 2 nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm:
Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu; Nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân salmonella spp gây ra.
Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên vệ sinh ăn uống thật kĩ, vệ sinh dụng cụ ăn uống trước và sau khi sử dụng. Rửa tay thật sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hạn chế cầm nắm vào vật dễ nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, người dân cần chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách. Không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng, hạn bảo quản. Không để người mang khuẩn (đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc) làm việc ở khu vực chế biến, đóng gói thực phẩm, đồ chơi trẻ em.
Thực phẩm phải còn nguyên, tuyệt đối nên loại bỏ, không sử dụng thực phẩm đã bị thủng hộp, bao bì, bị phồng hoặc biến dạng, biến màu...
Đặc biệt, đối với những trường hợp ăn phải thực phẩm không đảm bảo an toàn, sẽ có các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, tay chân bủn rủn... Người bệnh cần bổ sung nước, chất điện giải và đi đến cơ sở y tế gần nhất cùng mẫu thực phẩm nghi ngờ để bác sĩ có những phương pháp điều trị kịp thời, tránh những tình huống không mong muốn xảy ra.
Lao Động đã đưa tin về trường hợp 1 bé gái 6 tuổi tử vong và 50 trường hợp khác cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu (ngày 29.9) tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức).
Đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 17 trẻ đang nằm điều trị tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trong tổng số 50 trường hợp cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Hiện, sức khỏe các bé đều ổn định.