Dịch chồng dịch, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và COVID-19 song song

Thùy Linh |

Hà Nội - Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát với số ca mắc tăng cao. Đáng lo ngại, tình trạng dịch chồng dịch đã hiện hữu tại Hà Nội, các cơ sở y tế ghi nhận những bệnh nhân test sốt xuất huyết và test COVID-19 đều dương tính.

4 người sống cùng một nhà mắc sốt xuất huyết

Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động cho thấy lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tăng đột biến.

"Tôi là người thứ 2 trong gia đình bị sốt xuất huyết rồi. Trước đó là em họ tôi. Sốt cao, đau đầu, mệt mỏi chân tay rã rời, nằm mãi không thấy đỡ nên tôi đi khám, may mắn là chưa phải nằm viện. Bác sĩ bảo về nhà uống thuốc, theo dõi thêm" - bà N.T.V (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ. 

Một nhóm người lao động trú tại Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội đã có 4 người bị sốt, trong đó, anh N.V.T là có triệu chứng nặng hơn cả. Khi đến khám, anh T đang trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, toàn thân phát ban đỏ.

Anh T mệt mỏi, ngủ gục trong lúc ngồi chờ kết quả khám. Ảnh: Thùy Linh
Anh T mệt mỏi, ngủ gục trong lúc ngồi chờ kết quả khám. Ảnh: Thùy Linh

"Họ là nhóm thợ ở tại chỗ tôi, thấy cả 4 người đều bị sốt nên tôi nghĩ là có dịch bệnh rồi, phải đưa họ đến bệnh viện khám và điều trị ngay"- anh N.V.H, người đưa anh T và 3 người khác đến khám tại Bệnh viện E cho hay.

Bác sĩ nội trú Vũ Phương Nga, Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện E, cho biết: "Hiện tại khoa chúng tôi, ước tính có đến 70- 80% bệnh nhân là mắc sốt xuất huyết đang điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc COVID-19 cũng tăng lên. Chúng tôi ghi nhận những bệnh nhân test sốt xuất huyết và test COVID-19 đều dương tính. Hiện nay có 2 ca đang phải điều trị. Triệu chứng về sốt xuất huyết có vẻ rầm rộ hơn".

Bác sĩ Nga thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Linh
Bác sĩ Nga thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Linh

Ngoài xuất huyết, COVID-19 thì vẫn còn lác đác các bệnh nhân cúm A, cúm B đến khám tuy nhiên triệu chứng đều nhẹ nên được điều trị ngoại trú. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là sốt xuất huyết, có nhiều ca nặng, tiểu cầu thấp, hạ huyết áp.

Đáng lo ngại hơn, theo các bác sĩ, ngày nào khoa Bệnh Nhiệt đới cũng ghi nhận một bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, suy hô hấp phải nhập viện. Có nhiều ca nặng phải chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong những ngày tới, do thời tiết mưa nhiều, dự kiến bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tăng dần lên.

Bệnh nhân sốt xuất huyết phát ban đỏ sau 3 ngày sốt cao. Ảnh: Thùy Linh
Bệnh nhân sốt xuất huyết phát ban đỏ sau 3 ngày sốt cao. Ảnh: Thùy Linh

Dịch chồng dịch, cơ sở y tế tăng thêm áp lực

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E, cho biết: "Năm nay đang xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, thời gian qua đã song song cùng lúc xảy ra 3 dịch bệnh.

Dịch COVID-19 đã hoành hành hơn hai năm đến nay, tiếp đến là dịch cúm A, B, giai đoạn vừa rồi bệnh nhân vào viện cũng tương đối nhiều và hiện tại vẫn còn rải rác và dịch thứ ba là sốt xuất huyết hiện đang có xu hướng tăng lên. Hiện tại tình trạng dịch chồng dịch đã hiện hữu, và gây áp lực quá tải đối với các cơ sở y tế".

Tuy nhiên, bác sĩ Cường cũng cho hay tùy theo mỗi phạm vi, lĩnh vực hoạt động của mỗi chuyên khoa, mỗi bệnh viện có cách khống chế, xử lý đảm bảo an toàn cho bệnh nhân theo cách khác nhau.

"Với Bệnh viện E chúng tôi cũng đã tiếp nhận bệnh nhân cả 3 dịch COVID-19, cúm và sốt xuất huyết. Công tác khám sàng lọc, phân loại, phân luồng, tư vấn điều trị cho bệnh nhân vẫn đang được tiến hành song song. Tình trạng quá tải chúng tôi cũng đang phải đương đầu, tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiểm soát được" - BS Cường cho hay.

Bác sĩ Cường thăm khám cho một bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Thùy Linh
Bác sĩ Cường thăm khám cho một bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Thùy Linh

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9-16.9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 38,9%) so với tuần trước và có 1 ca tử vong.

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 16.9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Hà Nội đã có 4 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và ổ dịch thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân). Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội vừa phát hiện thêm 1 chủng virus gây sốt xuất huyết

Thùy Linh |

Ngoài type virus gây bệnh sốt xuất huyết lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Thiếu hàng chục nghìn túi dịch truyền điều trị bệnh sốt xuất huyết nặng

Thùy Linh |

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc nhập khẩu thuốc điều trị sốt xuất huyết gặp phải nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam. Hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho Việt Nam.

Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội, chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng

HƯƠNG GIANG |

Báo cáo giám sát trong hai tuần đầu tháng 8 của CDC Hà Nội cho thấy, chỉ số bọ gậy (loăng quăng - ấu trùng muỗi, mầm bệnh gây bệnh sốt xuất huyết) tại một số khu vực đang cao vượt ngưỡng.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ngầm tràn ngập sâu, Quảng Bình cảnh báo dân không di chuyển

CÔNG SÁNG |

Do ảnh hưởng bão số 4, từ 7 giờ sáng 20.9, địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều ngầm tràn nước ngập sâu, chảy xiết và chia cắt cục bộ.

Bão số 4 Soulik suy yếu vẫn có thể tàn phá Thái Lan

Khánh Minh |

Bão số 4 Soulik dù đã suy yếu thành áp thấp nhưng dự kiến sẽ mang theo mưa lớn đến Thái Lan.

Người dân ở Hoài Đức phải khám da liễu hàng tháng vì thiếu nước sạch

KHÁNH AN |

Suốt 6 năm qua, hàng tháng, vợ chồng anh Nguyễn Đình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) đều đưa các con đi khám da liễu vì không có nước sạch sử dụng.