Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những việc cần làm ngay của ngành y tế đó là: Triển khai hệ thống đồng bộ y tế cơ sở tiến tới lập hồ sơ sức khỏe cho người dân và tiến tới bệnh án điện tử. Việc thứ hai là kết nối quản lý toàn bộ hệ thống bán lẻ thuốc.
Theo Phó Thủ tướng, việc quản lý bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới; tỷ lệ kháng kháng sinh Việt Nam đang ở tốp cao của thế giới; giá cả các loại thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ chưa được quản lý. Hiện nay, chúng ta không có công cụ nào để giúp người dân nhận biết được công dụng, cách sử dụng và thời hạn sử dụng thuốc. Điều này chúng ta cần khắc phục sớm.
Việc đưa phần mềm quản lý vào sử dụng sẽ loại bỏ tất cả các hành vi buôn bán không lành mạnh. Phần mềm đưa vào hoạt động sẽ giúp công khai, minh bạch hoạt động mua bán thuốc, vì sức khỏe nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng, để Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc của Thủ tướng Chính phủ ngày 23.8.2018 đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết cụ thể tuyên truyền thuyết phục.
"Đây là việc làm mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân và cho ngành y tế, trước hết nhân viên y tế ủng hộ chủ trương này. Cùng đó là sự đồng lòng quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2018 của BCH Trung ương Đảng về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và các đại biểu đã bấm nút triển khai hệ thống kết nối các nhà thuốc trên cả nước.
Việc triển khai hệ thống này sẽ giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thuốc và các hoạt động mua bán thuốc, góp phần chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn và lạm dụng kháng sinh. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng....
Các cơ sở cung ứng thuốc sẽ có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh. Cơ quan quản lý dược nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến tay người tiêu dùng, giảm hồ sơ giấy tờ báo cáo, đảm bảo thu hồi triệt để thuốc khi thuốc bị thu hồi bắt buộc, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc phải kê đơn không đúng quy định.