Ngày 26.5, thông tin từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, Ban đã ra quyết định phạt nhiều trường hợp kinh doanh thịt lợn không đạt chất lượng trong chợ đầu mối Bình Điền.
Trường hợp ông Nguyễn Thanh Tú kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị. Theo đó, lúc 2h30 ngày 23.4, ông Tú vận chuyển 31 con lợn đã qua giết mổ nhập vào chợ Bình Điền.
Đoàn kiểm tra phát hiện 2 con lợn đã qua giết mổ từ cơ sở giết mổ gia súc Long Hiệp (Long An) có trọng lượng 180 kg. Quầy thịt sậm màu, các hạch xung huyết, mỡ màu hồng, không bảo đảm về ATTP. Ban QL ATTP đã quyết định phạt với số tiền trên 8 triệu đồng.
Tương tự, ông Lâm Trung Hiếu, bị xử phạt với tổng số tiền hơn 6 triệu đồng. Khoảng 00h ngày 26.4, ông Hiếu vận chuyển 16 con lợn đã qua giết mổ nhập vào chợ Bình Điền. Tiến hành kiểm tra, đoàn phát hiện 1 con lợn đã qua giết mổ từ cơ sở giết mổ gia súc Cổ Văn Mong (Long An). Quầy thịt sậm màu, các hạch xung huyết, mỡ màu hồng, không bảo đảm về ATTP.
Ngoài ra, Ban QL ATTP đã ra quyết định phạt trường hợp ông Nguyễn Ngọc Minh với tổng số tiền trên 9 triệu đồng. Theo đó, ông Minh đưa 95 kg thịt lợn không dấu kiểm soát giết mổ vào chợ kinh doanh. Điều đáng nói số thịt heo này nhạt màu, rỉ dịch, các hạch xung huyết, da tụ huyết. Heo này được giết mổ tại cơ sở ở quận Bình Tân (TP.HCM).
Ban QL ATTP cũng đã ra quyết định xử phạt trường hợp bà Trần Thị Bạch Yến với số tiền trên 2 triệu đồng liên quan đến vấn đề ATTP.
Được biết, tất cả chủ hàng nêu trên đều đã tự nguyện tiêu hủy số thịt lợn không đạt chất lượng.
Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM - bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi và ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch xâm nhập vào TP.HCM, Ban đã kiểm tra hàng loạt các điểm nóng về giết mổ, phân phối để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm.
Ngoài ra, nhằm hạn chế lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc trà trộn vào các chợ đầu mối, Ban QL ATTP chịu trách nhiệm kiểm tra sản phẩm từ lúc thành thực phẩm, đi vào chợ đầu mối và đến tay người tiêu dùng, còn ngành thú y thì chịu trách nhiệm kiểm dịch, giết mổ…
“Ban tăng cường lực lượng cho các đội tại các chợ đầu mối để kiểm soát thịt lợn mỗi đêm, đảm bảo tất cả các xe vận chuyển thịt lợn đi vào chợ phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, đeo vòng, truy xuất thông tin...”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Lan nhận định, dù thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây cho người đã được phổ biến rộng rãi nhưng một số người vẫn có tâm lý e dè, thậm chí có người tẩy chay loại thịt này. Việc này sẽ gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại lớn, đặc biệt là đối với người chăn nuôi.
“Không nên tẩy chay thịt lợn, người dân chỉ nên mua thịt heo ở những điểm bán có kiểm soát của cơ quan chức năng để đảm bảo nguồn hàng chất lượng an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ”, bà Lan khuyến cáo.