Doanh nghiệp tạm ngưng rót tiền giải phóng mặt bằng
Năm 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành (Công ty VN Đà Thành) được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm Công nghiệp Tân An, ở phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột.
Dự án này được triển khai trên diện tích hơn 21 ha với quy mô đầu tư trên 700 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khu dân cư mới với 352 căn nhà chung cư thương mại cao 7 tầng, 540 căn nhà liền kế thương mại cao 4 tầng, 168 căn nhà ở xã hội cao 2 tầng…
Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm... Thấy dự án bỏ hoang, vài người dân tiếc đất để trống đã "mượn đất" để trồng các loại cây ngắn ngày như: bắp (ngô), khoai lang... để kiếm thêm thu nhập.
Bên ngoài khu vực triển khai dự án, những tấm pano, bảng hiệu... được Công ty VN Đà Thành dựng lên để quảng cáo nay đã bạc màu, bị cháy sém. Thậm chí, khu nhà chòi bảo vệ tại dự án nay cũng bỏ không, chẳng còn người trông coi.
Liên quan đến sự việc này, ông Trương Văn Chính - Giám đốc Trung tâm phát triển qũy đất Thành phố Buôn Ma Thuột - cho biết, hiện đơn vị đã giải phóng mặt bằng được 19 ha đất để giao cho chủ đầu tư.
Cụ thể, UBND Thành phố Buôn Ma Thuột đã phê duyệt 5 phương án bồi thường đối với 40 hộ dân và 2 tổ chức. Tuy nhiên, về phía Công ty VN Đà Thành mới chi trả tiền đền bù cho 36 hộ, 1 tổ chức với tổng kinh phí gần 16 tỉ đồng.
Đối với 4 hộ dân và 1 tổ chức còn lại với số tiền đền bù khoảng 1,4 tỉ đồng thì Công ty VN Đà Thành chưa chi trả. “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Công ty VN Đà Thành trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ còn lại nhưng công ty chưa thực hiện” - ông Chính cho hay.
Dự án phải điều chỉnh một số hạng mục
Trao đổi về sự việc này, ông Trần Văn Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Đà Thành - xác nhận, hiện còn khoảng 1,4 tỉ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng nhưng công ty chưa chi trả cho người dân.
Theo ông Cường, lý do là lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đang rà soát để giao đất cho công ty nhưng thời gian quá lâu. Do đó, công ty mong muốn mọi việc được giải quyết rõ ràng, có lộ trình để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của dự án.
“Hơn 16 tỉ đồng chúng tôi đã chi trả rồi, còn 1,4 tỉ đồng thì ăn thua gì. Do thời gian rà soát hồ sơ quá lâu nên chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phải có thời gian, lộ trình rà soát, kế hoạch giao đất cụ thể. Trong tháng 7 này, công ty và tỉnh Đắk Lắk sẽ có cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc. Chúng tôi cũng muốn mọi vấn đề được giải quyết nhanh để thực hiện dự án” - ông Cường nói.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, về thủ tục pháp lý, thủ tục đầu tư tại dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm Công nghiệp Tân An là không có vấn đề. Tuy nhiên, qua rà soát, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện một số hạng mục tại dự án như: đất cây xanh, đất giao thông, đất nhà ở thương mại chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh lại.
“Khoảng một đến hai tuần nữa, chúng tôi sẽ họp, rà soát lại những vướng mắc và yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh cho phù hợp nhằm tiếp tục triển khai dự án” - một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk trao đổi.