Có nhiều lý giải rất hợp lý cho xu hướng mua căn hộ chung cư cũ. Thứ nhất là hầu hết các khu chung cư cũ đều nằm tại các quận trung tâm nội thành Hà Nội, giao thông, sinh hoạt, buôn bán thuận tiện, hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ như bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí… Vì nhiều tiện ích như vậy nên người dân vẫn tìm cách sống trong nội thành.
Theo tìm hiểu, hiện tại các đô thị mới cách trung tâm Hà Nội từ 8 - 10km trở ra như Hà Đông, Tây Mỗ hay Tây Tựu, giá căn hộ chung cư cũng đã ở mức 30- 40 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, giá nhà gắn liền với đất trong ngõ hẻm cũng không hề rẻ, ở mức trung bình 1,7 - 1,8 tỉ đồng/nhà 30 - 35m2.
Thứ hai là giá chung cư tại các toà nhà đã bàn giao khoảng 5 - 10 năm đã số đều ở mức 1, 1 - 1,6 tỉ đồng với diện tích 60 - 70m2. Trong khi cũng với số tiền và tiêu chí diện tích như vậy, người mua rất khó để chọn được một căn hộ ở toà nhà mới bàn giao.
Khảo sát qua nhiều trang mạng mua bán bất động sản, PV không khó nhìn thấy các thông tin rao bán căn hộ chung cư cũ. Chị Nguyễn Thúy Hằng mới mua được căn chung cư ngay tại mặt đường Tố Hữu cho biết, có một hộ rao bán căn chung cư đã ở hơn 7 năm với giá 2,4 tỉ đồng, diện tích hơn 70m2.
Khi hai vợ chồng chị đến xem, khu chung cư nhìn ngoài hơi cũ nhưng chất lượng còn tốt, chịu khó sơn sửa lại tường nhà, làm mới khoảng 5 - 7 triệu là ở được. Nhà mới thì tất nhiên có nhiều điểm tốt hơn nhưng muốn tìm căn hộ mới diện tích rộng rãi trong khu vực có trường học, bệnh viện, đường sá thuận lợi là vô cùng khó.
Chị Hằng chia sẻ, nhà cũ nhưng chất lượng đảm bảo, diện tích rộng rãi, vị trí cũng tốt, sơn sửa lại là sống rất thoải mái hợp với những gia đình có thu nhập trung bình như vợ chồng mình. Bề ngoài cũ nhưng bên trong tốt vẫn hơn tìm mấy căn hộ đẹp mã mà chật chội.
“Hai vợ chồng đã phải tìm kiếm rất lâu mới được một căn ưng ý nên quyết định mua luôn. Bởi biết chắc là giá nhà sẽ không bao giờ xuống, giá đất cũng cao mà nhu cầu mua nhà tại Hà Nội cũng không giảm nên gia đình tôi quyết định mua luôn”, chị Hằng nói.
Sau 1 tháng bán lại căn hộ chung cư cũ, anh Hùng (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì lãi đến vài trăm triệu so với cách đây 2 năm mua. Căn hộ của anh Hùng ở dự án Golden Palace, đường Mễ Trì có diện tích 118 m2 được bán với giá 3.6 tỉ đồng.
“Lúc đầu chỉ nghĩ mua để ở, cũng không nghĩ gì tới lời lãi cả. Mấy năm nay làm ăn cũng ổn nên vợ chồng tôi đã mua nhà thổ cư để ở và có nhiều không gian sử dụng hơn. Vì bỏ không thì phí nên gia đình tôi mới rao bán nhưng bất ngờ là lãi lớn”, anh Hùng vui vẻ nói.
Ghi nhận tại các sàn giao dịch nhà đất thì thị trường chung cư cũ nội thành không bao giờ giảm giá. Ngay cả ở vùng ven như Mỹ Đình, Nhổn… các căn chung cư dù cũ cũng không mất giá.
Chuyên gia từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho rằng, đa phần người có nhu cầu mua chung cư cũ thường là để ở chứ không phải thuộc dạng thích đầu tư kiếm lợi.
Với tầm tiền khoảng 1,5 tỉ đồng rất khó để sở hữu một căn hộ chung cư mới gần trung tâm thì họ có thể mua được chung cư cũ gần trung tâm. Hơn nữa, những căn hộ chung cư cũ tuy không có các dịch vụ mới nhưng chất lượng dịch vụ và công trình ổn định lâu dài đã được kiểm chứng khiến người mua yên tâm hơn so với những căn hộ mới chưa được chứng thực qua sử dụng.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, thị trường BĐS quý II.2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguồn cung mới các sản phẩm BĐS ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế.
Bộ này đưa ra lý do nguồn cung mới bị hạn chế chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án BĐS. Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu…