Bơm vốn cứu dự án tỉ đô
Ngày 21.5, các ngân hàng BIDV, MaritimeBank đã ký kết với Công ty Tài Nguyên để bổ sung hơn 1.060 tỉ đồng cho dự án Kenton Node (H.Nhà Bè, TP.HCM); Ngân hàng SHB cũng tiếp tục cho công ty này vay thêm 500 tỉ đồng cho dự án Evergreen (Q.7, TP.HCM). Gần 1.600 tỉ đồng này sẽ giúp hai dự án trên tái khởi động trở lại sau một thời gian dài tạm dừng. Có thể nói, dự án Kenton là một trong những dự án tỉ đô trùm mền khá nổi tiếng trên thị trường bất động sản TPHCM. Dự án Kenton Node đã tạm dừng mấy năm nay khi đã xây dựng gần như xong phần thô một số block chung cư do thị trường khó khăn vào những năm 2009. Khi đó, chủ đầu tư đã trả lại hết tiền mua nhà và bồi thường cho các khách hàng mua căn hộ tại đây để điều chỉnh dự án cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ông Vũ Anh Tâm, người sáng lập Công ty Tài Nguyên, cho biết giai đoạn 1 của dự án Kenton Node, công ty đã hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai để triển khai khu nhà ở dọc tuyến Nguyễn Hữu Thọ. Nhưng không may sau đó, thị trường bất động sản suy thoái, dự án bị chựng lại. Trong suốt thời gian thị trường trầm lắng, công ty cũng đã dùng nhiều giải pháp để gỡ khó cho dự án, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý tại TP.HCM như thay đổi thiết kế, kết hợp giữa nhà ở với dịch vụ, trong đó có khách sạn quy mô 550 phòng. Công ty cũng từng tìm được đối tác lớn từ nước ngoài để triển khai dự án theo hướng này nhưng rất tiếc là sau đó không thành.
Qua những thăng trầm, công ty quyết định tái cấu trúc lại toàn bộ dự án và đến hôm nay, công ty quyết định mang dự án trở lại thị trường với “hình ảnh hoàn toàn mới”. Cũng theo ông Tâm, dự án trước đây là đất của công ty, không phải đi vay tiền mua nên mới có thể trụ vững đến ngày hôm nay. Do khát vọng xây dựng hai dự án thành lõi của trung tâm khu nam - đô thị trong đô thị nên mấy năm nay ông đã theo đuổi nó và tìm mọi cách để khởi động trở lại. Cụ thể, dự án Kenton Node có diện tích hơn 11 ha, sẽ được chuyển thành tổ hợp gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế...
Tuy nhiên, việc tái khởi động và giới thiệu dự án ra ngoài thị trường trong giai đoạn hiện nay, chủ đầu tư Kenton Node sẽ gặp không ít thách thức lẫn rủi ro, khi phân khúc căn hộ hạng sang tại thị trường TPHCM đang gặp khó khăn về thanh khoản và giá đang có xu hướng chững lại. Dẫu vậy, theo đánh giá của không ít nhà đầu tư thì việc ngân hàng bổ sung thêm tín dụng không chỉ giúp chủ đầu tư có thêm một nguồn vốn hỗ trợ dự án có thể tiếp tục triển khai trở lại, mà quan trọng hơn là bảo lãnh tín dụng cho người mua nhà, giúp thị trường có thêm một nguồn cung bất động sản, tránh gây lãng phí cho doanh nghiệp và nguồn lực xã hội.
Con đường không bằng phẳng
Tìm vốn để hồi sinh dự án đã khó, nhưng sau đó kinh doanh thế nào để hiệu quả và để dự án sống tốt lại càng khó hơn. Đó là câu chuyện hợp tác để làm sống dậy dự án Dự án River City nằm trên đường Đào Trí, quận 7. Dự án này trước kia có tên là The Everrich 2, do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do số lượng căn hộ quá nhiều và giá quá cao nên Phát Đạt đã bị sa lầy. Năm 2016, Cty bán 50% cổ phần dự án River City cho An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group. Trong liên doanh này, An Gia sẽ phụ trách hoạt động marketing, bán hàng tại dự án River City, còn Phát Đạt phụ trách pháp lý dự án. Credd Group kiểm soát dòng tiền của dự án. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì kể từ hồi tháng 3 dự án đã ngưng bán hàng đến nay. Và mới đây, ngày 15.05.2017, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) chính thức ra thông báo về việc thanh lý hợp đồng dự án River City cho khách hàng.
Lý do mà phía chủ đầu tư đưa ra là với kế hoạch thay đổi lại chiến lược kinh doanh dành cho River City, thiết kế của dự án sẽ được điều chỉnh toàn bộ, quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà. Chính vì vậy, để đảm bảo các quyền lợi và không ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng, thì việc thanh lý hợp đồng là phương án hợp lý nhất. Việc thanh lý vẫn đang được tiến hành theo trình tự của khách hàng theo đúng điều khoản đã quy định trong hợp đồng và nhận được sự đồng tình của toàn bộ khách hàng.
PDR cũng khẳng định toàn bộ những thông tin về chuyển nhượng, mua bán dự án River City với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là không đúng.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì từ tháng 4.2017, phía công ty An Gia Investment đã mời từng khách hàng mua căn hộ tại dự án River City lên thanh lý hợp đồng. Mỗi khách hàng đều được chủ đầu tư trả lại số tiền đã đóng và cộng thêm 20% giá trị hợp đồng. Tổng số tiền liên doanh Phát Đạt - An Gia - Creed Group đã bỏ để tiến hành đền bù thanh lý hợp đồng gần 300 tỷ đồng. Trước sự việc trên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, việc làm của chủ đầu tư dự án River City rất khó hiểu. Không có doanh nghiệp nào đã bán xong nhà lại đi xin điều chỉnh thiết kế, giảm số lượng căn hộ rồi lại phải mời khách hàng lên bồi thường hợp đồng. Các chuyên gia cũng cho rằng, không loại trừ khả năng do tháng 3.2017, dự án River City bị thanh tra, nên những khách hàng nằm trong những căn hộ đã điều chỉnh thiết kế bị chủ đầu tư trả lại tiền và thanh lý hợp đồng.
Chung cư ế chuyển thành bệnh viện cũng ế
Để hồi sinh dự án bất động sản, không ít chủ đầu tư tìm một lối đi mới, thay đổi tính năng … để có thể xử lý đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng chọn con đường đúng.
Đó là câu chuyện về dự án chung cư cao cấp Thái Bình Plaza, Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Dự án hoàn thành vào năm 2012, tuy nhiên đây là thời điểm mà dòng sản phẩm căn hộ cao cấp đang ngắc ngoải. Chính vì vậy, Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương, chủ đầu tư dự án đã xin chuyển đổi công năng từ chung cư cao cấp sang làm bệnh viện. Ý tưởng mà chủ đầu tư đưa ra là chung cư Thái Bình plaza sẽ biến thành một “bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn quốc tế” với 1.000 giường bệnh, tập trung những chuyên khoa đang quá tải như tim mạch, ung bướu, tai biến đột quỵ...
Khoảng nửa năm sau đó thì UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương chuyển đổi công năng công trình chung cư thành bệnh viện đa khoa. Vậy là lần đầu tiên tại TPHCM, mô hình bệnh viện ra đời từ hình hài một dự án chung cư có tên gọi là Bệnh viện Phúc An Khang…Và phải mất gần 2 năm Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang mới chính thức hoạt động, lúc đó vào tháng 2.2015. Nhưng cũng 2 năm sau đó thì thông tin đóng cửa bệnh viện cũng được phát đi. Và thực tế bệnh viện đã ngưng hoạt động từ cuối tháng 4 vừa qua.
Lý do, từ khi thành lập đến nay, công ty liên tục bù lỗ vì bệnh viện hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, sau hơn 2 năm hoạt động bệnh viện đã lỗ lũy kế trên 60 tỷ đồng, chưa kể lãi vay ban đầu. Và theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu mới đây thì chủ sở hữu bệnh viện Phúc An Khang dự định sẽ xin chuyển đổi bệnh viện trở lại dự án bất động sản để bán nhà lấy tiền trả nợ. Hiện giờ vẫn chưa rõ quyết định của Thành phố về vấn đề này, tuy nhiên nhiều ý kiến quan ngại về khả năng được chấp thuận.