Chưa đủ điều kiện thế chấp vẫn được OCB chấp thuận cho vay
Như Báo Lao Động đã đưa tin, vào ngày 22.4.2020, tại UBND phường Hòa Phú, đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã lập Biên bản tạm giữ toàn bộ 43ha đất thuộc dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (KĐT Tân Phú, theo GCN: BK 075230 và BK 075229). Ngay sau đó, CSĐT đã bàn giao toàn bộ 43ha đất thuộc dự án KĐT Tân Phú là tang vật của vụ án cho UBND xã Hòa Phú tạm giữ.
Theo nội dung biên bản tại buổi bàn giao, người đại diện là bà Hồ Thị Nở xác nhận, 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đã được Công ty Tân Phú thế chấp cho Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh vào tháng 9.2019 để vay tiền.
Tuy nhiên, trong văn bản xác nhận điều kiện thế chấp ngày 11.2.2020, Sở TNMT Bình Dương cho rằng "chưa có cơ sở giải quyết hồ sơ đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú do ngày 21.12.2019, Công an tỉnh Bình Dương đã có Công văn số 678/PC03 đề nghị việc ngăn chặn giao dịch quyền sử dụng đất đối với 2 khu đất 43 ha và 145 ha tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương".
Tuy không được văn phòng đăng ký đất đai xác nhận đủ cơ sở, tài sản thuộc về vụ án đang bị điều tra, song Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (thành viên của Kim Oanh Group, đơn vị “thâu tóm” Công ty Tân Phú) vẫn mang thế chấp thành công và vay vốn tại OCB.
Cho tới thời điểm hiện tại, OCB vẫn chưa phản hồi thông tin về việc vì sao tài sản chưa đủ điều kiện thế chấp vẫn được chấp thuận cho vay và đã giải ngân ra sao.
Khách hàng "góp vốn" có nguy cơ mất trắng
Năm 2018, sau khi thâu tóm được khu đất vàng có diện tích 43ha với giá rẻ, Kim Oanh Group đã tiến hành động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú rao bán và huy động vốn rầm rộ.
Thế nhưng, ngay sau thời điểm khởi công, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Phú. Công ty Tân Phú tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng yêu cầu ngừng thi công cho tới khi đủ thủ tục xin phép xây dựng theo quy định...
Mặc dù chưa đủ điều kiện thi công, song thông qua nhiều hình thức khác nhau, Kim Oanh Group đã tổ chức huy động vốn của hàng trăm cá nhân, đơn vị thông qua “hợp đồng vay tiền”. Mục đích của các “hợp đồng vay tiền”, "hợp đồng góp vốn" là thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án Khu đô thị Tân Phú.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công ty Luật TAT Lawfirm cho rằng bản chất của những "hợp đồng vay tiền", "hợp đồng góp vốn" là hành vi huy động vốn trá hình. Theo quy định hiện hành, tại Điều 68 Luật Nhà ở 2014 quy định về nguyên tắc huy động vốn cho phát triển nhà ở như sau: “Hình thức huy động vốn phải phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật này. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức, và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý”.
Như vậy, chỉ một dự án đã được Kim Oanh huy động vốn từ cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, đây lại là tang vật của một vụ án hình sự, việc xử lý tài sản sẽ theo quy định của nhà nước, nợ ngân hàng sẽ được ưu tiên hơn. Tại nhiều dự án bất động sản đã xảy ra tình trạng này, khi chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, ngân hàng đã thu lại dự án, quyền lợi khách hàng đã bị bỏ ngỏ.