Phấn đấu tăng GRDP gấp 6 lần
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong hơn 45 năm qua, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Trong định hướng, TPHCM phấn đấu đến năm 2025, sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TPHCM muốn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình cùng GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030, sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn 2045, TPHCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Như vậy, GRDP bình quân đầu người của TPHCM năm 2020 ước đạt 6.328 USD/người vì thế TPHCM sẽ phải nỗ lực để đạt được kỳ vọng tăng lên 37.000 USD, gấp gần 6 lần mức của năm vừa qua. Theo các đại biểu, để đạt được mục tiêu này, cần sự nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn đã nêu nhiều trong thời gian qua nhưng chưa xử lý triệt để, cần đặt đúng vị trí của TP.Thủ Đức và cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị để tạo được không gian và khung pháp lý nhằm giúp TPHCM phát huy được tính năng động, sáng tạo của mình.
“Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Bất cập nhất vẫn là hạ tầng
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhấn mạnh tới bất cập lớn nhất của TPHCM hiện nay vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng quá chậm trễ. TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ các dự án như cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, mở rộng 8 làn xe cao tốc TPHCM - Trung Lương…
Cùng đó, đẩy nhanh xây dựng các đường vành đai kết nối vùng, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong 5 năm tới. Xây dựng cầu Cát Lái nối TPHCM với Nhơn Trạch sẽ mang tính đột phá để mở rộng không gian vùng, tạo điều kiện phát triển TP.Thủ Đức.
Theo PGS.TS Trần Mai Ước, để xây dựng đô thị thông minh, trước hết phải có quy hoạch đô thị theo hướng thông minh. Việc hạ tầng đô thị TPHCM đang phát triển thiếu sự đồng bộ như các công trình viễn thông, các mạng cáp quang, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông..., nên gặp nhiều khó khăn khi lồng ghép hệ thống công nghệ cao vào trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung.
Phân tích các thách thức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, TPHCM cần nghiên cứu và điều chỉnh quy hoạch chung đã có từ năm 2010, cùng với đó là các vấn đề về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải đô thị. Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận xét, TPHCM đã xác định rõ mục tiêu, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện.
TS Trần Du Lịch bày tỏ: “Vấn đề đột phá là giao thông kết nối vùng. Tôi rất buồn là chúng ta đã quy hoạch giao thông vùng với hệ thống đường vành đai 1-2-3-4 nhưng đến nay chưa cái nào hoàn thành. Giao thông thế này thì đừng bao giờ nói chuyện liên kết vùng”.
Chú trọng liên kết vùng
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh việc liên kết vùng. Tư duy của TPHCM là vùng đô thị và kinh tế vùng chứ không phải chỉ có riêng TPHCM. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, một trong những đặc trưng của TPHCM nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung là có tỉ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, dẫn đến phải đối mặt với nhiều mặt trái của quá trình đô thị hóa và tăng trưởng như: Kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... Trong những năm qua mặc dù lãnh đạo thành phố rất quan tâm giải quyết là vấn đề kẹt xe, và phát triển hạ tầng giao thông nhưng hầu như các cửa ngõ kết nối giao thông với thành phố đều kẹt cứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội của TPHCM cũng như tỉnh Đồng Nai và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư của Trung ương dành cho các địa phương trong vùng chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước cũng là một trở ngại để các địa phương xoay xở trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Do vậy, địa phương này đề nghị, trong thời gian đến, các cơ quan Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông kết nối có tính chất liên kết vùng nhằm phát triển kinh tế xã hội của TPHCM cũng như Đồng Nai và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm.