Khi mới tiếp quản Barcelona vào năm 2008, Pep đã mạnh tay cho ra ngoài kế hoạch những người được coi là huyền thoại của câu lạc bộ như Ronaldinho và Deco. Thay vào đó, ông trình làng một thế hệ cầu thủ mới do chính tay đào tạo. Khi đó, về bài toán kinh tế, Pep đã hoàn thành xuất sắc nhưng về sự thành công trên sân cỏ, mọi thứ luôn bắt đầu bằng sự nghi ngại.
Barca không hẳn là đội bóng chỉ mạnh nhờ thành tích trên sân cỏ, họ còn tỏ rất vô đối ở khâu thương mại. Sau này, khi đã quá thành công, gây dựng một bộ khung huyền thoại cho Barca, Pep rời đội. "Gã khổng lồ" sau đó sử dụng di sản này được khoảng 7 năm thành công, trước khi sa sút dần vì những tài năng kiệt xuất bước qua sườn dốc sự nghiệp.
Hiện tại, đội bóng đang nợ gần 1,3 tỉ Euro và bắt đầu có những cách gỡ rối. Barca vẫn sống một phần nhờ hơi thở của lò La Masia với những cái tên nổi bật như Pedri, Gavi hay Fati. Thuyền trưởng của đội bóng còn là Xavi, một trong những người xuất sắc nhất mọi thời đại của trung tâm đào tạo này. Những tưởng, Barca sẽ ổn với các nhân tố đó. Thế nhưng, họ đã lao vào cuộc đua kim tiền với Christensen, Kessie, Raphinha và đặc biệt là Lewandowski.
Nếu với cách làm này, trong mùa tới hoặc mùa tiếp theo, Barca giành lại Champions League, mọi thứ sẽ như một câu chuyện có hậu. Lúc này, họ đang thế chấp tương lai của 25 năm sau bằng bản hợp đồng tài trợ bản quyền hình ảnh với tập đoàn Sixth Street của Mỹ. Laporta không tin hoặc không đủ tự tin rằng, lứa cầu thủ hiện tại của La Masia có thể cứu đội bóng ngay lập tức. Họ cần những chiến binh thiện chiến để hi vọng về một thành công ngay lập tức. Laporta sẵn sàng đánh canh bạc này khi phần thắng chưa nằm chắc trong tay.
DNA của Barcelona chính là Xavi, người được coi thấm nhuần tư tưởng, triết lý của Pep Guardiola. Thông thường, khi bế tắc, các đội bóng thường hay tận dụng những người cũ như vậy. Chelsea từng bổ nhiệm Lampard, M.U là Solskjaer hay Juventus là Pirlo.
Cách làm hiện tại của Barca có thể vẽ ra xu hướng của Man City trong thời gian tới với những thành công Pep đang xây dựng. The Citizens trong 5 năm qua được coi là kiểu mẫu về sự thành công khi xây dựng lực lượng, sau đó đến Liverpool. Barca đang học tính kim tiền và hiệu quả của Man City.
Bản thân ông chủ mới của Chelsea - Boehly cũng nói, The Blues cần học Liverpool về độ hiệu quả và thực dụng trên bàn chuyển nhượng. Dần dần, DNA của các câu lạc bộ chỉ như một thứ gia vị đi kèm, không còn là yếu tố tiên quyết nữa.