Thấy gì từ thị phần nhà tài trợ?
Chuyên trang KPMG Football Benchmark đã phân tích các chỉ số và tính kinh tế của giải EURO 2020, và rút ra mối liên kết với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại.
Báo cáo cho biết, danh sách 12 nhà tài trợ chính gồm Alipay, Booking.com, Coca-Cola, FedEx, Heineken, Hisense, Qatar Airways, SOCAR, Takeaway.com, Tik Tok, vivo và Volkswagen, chỉ có 2 thương hiệu vẫn còn thuộc "sổ đăng ký" từ năm 2016 (Hisense và Coca-Cola).
Dễ hiểu, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên khắp thế giới, nhiều nền kinh tế và nhãn hàng lớn chịu ảnh hưởng. Không ít nhà tài trợ từ năm 2016 dù đã đăng ký, "ghi sổ" sẽ tiếp tục tài trợ giải đấu vào kỳ tới nhưng không còn đủ tiềm lực, hoặc ưu tiên cho các hoạt động khác. Điều này nghe như một tín hiệu xấu, nhưng lại là cơ hội để phát triển các thị trường, nhân tố mới.
Ví như tại Châu Á, Trung Quốc thay thế Nhật Bản để trở thành đối tác lớn của UEFA. Năm 2016, Hisense đưa quảng cáo tiếng Trung tới EURO, trình diện người hâm mộ bóng đá toàn thế giới. Đây mới là lần đầu tiên trong lịch sử 56 năm của UEFA có nhà tài trợ đến từ Trung Quốc. 5 năm sau, thêm Alipay, Vivo và TikTok nằm trong số 12 nhà tài trợ của EURO 2020, Trung Quốc chính thức trở thành nguồn tài trợ lớn nhất cho giải đấu.
Sự gia tăng của các nhà tài trợ Trung Quốc cũng cho thấy mối quan hệ với sự thay đổi cục diện kinh tế thế giới. Các công ty Nhật Bản đã tài trợ cho mọi kỳ EURO từ năm 1992 - 2012, nhờ vào sự phát triển về hàng điện tử tiêu dùng của "đất nước mặt trời mọc". Tuy nhiên, vào năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và bắt đầu mạnh dạn hơn trong việc quảng bá ra thế giới.
Ngân hàng Thế giới mới đây dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2021 sẽ đạt 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức tăng trưởng 2% vào năm 2020 với tư cách là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng tích cực trên toàn cầu. Đó cũng là lý do họ đủ lực để trở thành nhà tài trợ chính của EURO 2020.
Các nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau COVID-19 với các tốc độ khác nhau, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài trợ thể thao cũng như giá trị của chúng. Theo Nielsen Sports, Trung Quốc sẽ ngày càng đóng vai trò nổi bật trong thị phần tài trợ trên toàn cầu.
Điều này cũng trùng với báo cáo của KPMG Football Benchmark, khi các nhãn hàng Trung Quốc như Alipay, VIVO có sự cam kết tài trợ rất lâu dài với UEFA. "Một điều quan trọng cần lưu ý là một số giá trị hợp đồng mở rộng qua nhiều giải đấu. Ví dụ, Alipay đã ký hợp tác 8 năm, bao gồm tất cả các giải đấu bóng đá đội tuyển quốc gia với UEFA, từ năm 2018 đến năm 2026", báo cáo cho biết.
EURO 2020 thúc đẩy các nền kinh tế phát triển
Theo phân tích của Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, chức vô địch EURO 2020 sẽ giúp GDP của Italia tăng thêm 4 tỉ Euro trong ngắn hạn. Điều này được lý giải bởi, sau thời gian dịch bị giãn cách, chức vô địch giúp tinh thần con người Italia phấn chấn hơn dẫn đến gia tăng chi tiêu, đặc biệt là cho thực phẩm, đồ uống, rượu và thuốc lá, hàng hóa và dịch vụ gia dụng, giao thông, giải trí,...
Với Anh, dù đã thất bại trong trận chung kết bóng đá nhưng thắng lớn trên mặt trận kinh tế. Thầy trò Gareth Southgate vào đến chung kết khi đá 6/7 trận tại Wembley. Đó là cơ hội để ngành dịch vụ trong nước thu lời. Theo Deutsche Bank, riêng trận chung kết sẽ mang về 90 triệu bảng cho nền kinh tế Vương quốc Anh. Các nhà kinh tế dự trù, du khách vào ngày diễn ra trận đấu sẽ chi khoảng 40 triệu bảng cho chỗ ở tại London. Trong khi đó, người hâm mộ sẽ chi 9 triệu bảng cho đồ ăn và thức uống trong những ngày diễn ra trận đấu.
Mảng thực phẩm, đồ uống luôn mang lại lợi nhuận rất lớn khi các sự kiện diễn ra. Theo Giám đốc điều hành của Fuller, Smith & Turner Plc - Simon Emeny doanh số bán bia khi có các trận đấu cao hơn 60% so với bình thường. Thậm chí, các quán bar tại Anh có thể tăng gấp 3 công suất, nếu không vướng các yêu cầu giãn cách xã hội.Các công ty Trung Quốc đưa nhãn hiệu tới EURO, điều này cũng tiếp thị ngược giải đấu tới người hâm mộ xứ tỉ dân. Trong một báo cáo của CGTN, do lệch múi giờ nên giải vô địch bóng đá Châu Âu góp phần thúc đẩy nền kinh tế đêm của Trung Quốc.
Những người được lợi nhiều nhất chính là chủ các quán bar, hoặc cung cấp dịch vụ ăn uống. Zhong Ming, đồng sở hữu của Musafirin, một quán bar ở trung tâm thành phố Bắc Kinh cho biết: "Doanh thu của chúng tôi đã tăng khoảng 30% trong thời gian diễn ra EURO 2020, thường có nhiều khách hàng đến đây hơn khi trận đấu diễn ra".
Phó giáo sư Đại học Tài chính & Kinh tế Trung ương Trung Quốc nhận định, EURO 2020 đã giúp nền kinh tế dịch vụ đất nước tỉ dân lấy lại sinh khí sau thời dịch. "Trong giải đấu, đặc biệt là vào ban đêm, số lượng đơn đặt hàng cũng như các mặt hàng và chi tiêu trên mỗi đơn hàng đã tăng lên đáng kể. Đó là một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế hoạt động vào ban đêm".Về cơ bản, nhiều nước Châu Á có múi giờ tương tự, đang trong tình trạng giãn cách vì dịch bệnh, nên không thể có bước tiến mạnh như Trung Quốc. Tuy nhiên, EURO 2020 cũng giúp nhiều dịch vụ ăn theo phát triển.
Ngoài ra, các nhãn hàng thời trang như Puma, Nike hay Adidas cũng được hưởng lợi từ thành công của những đội tuyển quốc gia họ tài trợ. Điển hình, đội tuyển Italia dự kiến sẽ có thêm 13 triệu Euro thu nhập tài trợ khi lên ngôi vô địch EURO 2020, bởi Puma tăng được doanh số bán áo và nhiều hoạt động thương mại đi kèm.