Căng thẳng nội bộ đang diễn ra tại Tottenham. Điều đó thể hiện rõ qua việc huấn luyện viên Antonio Conte công khai kêu gọi sự đoàn kết, đồng thời từ chối cam kết tương lai với câu lạc bộ.
Vốn dĩ, đây là câu chuyện không còn xa lạ với chiến lược gia người Italia. Conte thường ra đi trong sự bất hòa với ban lãnh đạo. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện vào năm 2006, Conte chưa bao giờ gắn bó với câu lạc bộ nào quá 3 năm.
Không thể phủ nhận tài năng của Conte sau khi mang lại thành công cho Juventus, Chelsea và Inter Milan. Tuy nhiên, sự bất đồng về chiến lược với ban lãnh đạo dẫn đến những lần ra đi đột ngột của huấn luyện viên 53 tuổi.
Hiện tại, điều còn thiếu ở Conte và Tottenham là một danh hiệu. Xét cho cùng, những mảnh ghép đã sẵn có - sân vận động trị giá 1 tỉ bảng và sân tập hiện đại. Quan trọng hơn, đội trưởng Harry Kane đang trên hành trình phá vỡ các kỷ lục ghi bàn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Daniel Levy vẫn thiếu sự quyết đoán trong định hướng phát triển. Nếu muốn có danh hiệu, Tottenham cần đầu tư nhiều hơn so với hiện tại.
Conte khẳng định vẫn đang hạnh phúc ở Tottenham, nhưng ám chỉ rằng có thể ra đi nếu không “bị thuyết phục 100%” bởi hướng đi của đội. Đây chính là mấu chốt...
Conte nhiều lần đề cập về khoảng cách giữa Spurs với các đội hàng đầu và cần sự đầu tư mạnh mẽ. Sau trận thua Aston Villa, Conte mô tả việc có vé dự Champions League mùa trước là "phép màu". Đó hoàn toàn là quan điểm đúng khi sự hụt hơi của Arsenal giúp Tottenham có vé vào phút chót.
Tháng 11.2021, Conte nhậm chức tại Tottenham và bắt đầu thúc đẩy chiến lược chuyển nhượng cùng sự ủng hộ của Levy. Tottenham mang về Rodrigo Bentancur và Dejan Kulusevski ở kỳ chuyển nhượng mùa đông 2022. Tiếp đến là chiêu mộ Ivan Perisic, thương vụ đi ngược lại chiến lược của "Gà trống".
Tuy nhiên, Conte vẫn muốn nhiều hơn thế, đó là lý do khiến căng thẳng gia tăng. Hiểu một cách đơn giản, Conte không hài lòng với nhân sự hiện tại.
Nhìn chung, lối chơi của Tottenham mùa này thiếu sự thuyết phục. Điển hình là phong độ tệ hại của Son Heung-Min với 3 bàn thắng và 2 kiến tạo sau 15 trận ở Premier League. Nhiều nghi vấn đặt ra, các buổi tập "nặng" của Conte liệu có phù hợp với thể chất của các học trò. Đa số các cầu thủ vừa phải trải qua kỳ World Cup 2022 mệt mỏi và trở lại với lịch thi đấu dày đặc.
Nếu thừa nhận Conte không phải là mẫu huấn luyện viên có thể gắn bó lâu dài, thì câu hỏi đặt ra: khi kết quả bắt đầu trượt dốc, Conte sẽ xoay sở ra sao?
Conte thích mua sắm hơn việc trọng dụng những cầu thủ trẻ. Không ít những tài năng đã lụi tàn dưới bàn tay Conte. Tại Tottenham là Djed Spence, tài năng được chiêu mộ với giá 19 triệu bảng. Thế nhưng, Conte không muốn sử dụng và ám chỉ Spence là "bản hợp đồng của câu lạc bộ".
Conte tự nhận xét mình là người cung cấp nền tảng để thành công. Và nhấn mạnh rằng, Tottenham không thể thành công ngay lập tức. Nhưng nền tảng đó là gì? Và liệu một đội từng bổ nhiệm Mauricio Pochettino, Jose Mourinho, Nuno Santo và Conte làm huấn luyện viên, có DNA rõ ràng hay không?
Conte muốn thành công ngay lập tức, ngược lại ban lãnh đạo Spurs muốn xây dựng và đầu tư lâu dài. Tầm nhìn dài hạn đó giống như mô hình của Manchester City và Liverpool, với 1 hoặc 2 bản hợp đồng lớn ở mỗi kỳ chuyển nhượng.
Hoặc Conte chấp nhận Tottenham không phải đội có thể đầu tư liên tục, hoặc Spurs phải mạnh tay hơn trên thị trường chuyển nhượng. Nếu không, Tottenham sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng về chiến lược...