Nhiều người sẽ nói, mùa giải của Manchester United chỉ bắt đầu từ sau thất bại muối mặt trước Brentford vào ngày 13.8. Tỉ số 4-0 được ví như 4 “cú chích” (của Bầy ong) vào mặt các cầu thủ chứ không phải huấn luyện viên Erik ten Hag.
Ở đó, bao nhiêu sĩ diện của Quỷ đỏ đã bị lôi ra làm trò cười. Bao nhiêu niềm kiêu hãnh trôi tuột theo từng bàn thua. Ten Hag giận tím mặt khi các học trò chạy ít hơn đối thủ một quãng đường dài hơn 13km. Và ông bắt họ chạy bù…
Truyền thông càng coi đó là lý do để nhạo báng một tập thể nhiều sao nhưng thiếu tinh thần chiến đấu. “Sự bạc nhược”, đó là cách miêu tả được giới truyền thông sử dụng nhiều nhất.
Nhưng có lẽ, chính việc bị bắt chạy bù đã chạm vào tự ái của các cầu thủ. Họ biết cần phải chiến đấu. Họ biết phải thay đổi thái độ. Họ biết, Man United của mình giờ đây không còn ở vị thế “cửa trên” nữa để chơi bóng một cách trịch thượng, để “biểu diễn” như phẩm chất của các ngôi sao.
Họ phải trở thành “chiến binh”. Và rốt cuộc, họ cũng hiểu rằng, sự kỷ luật mà Ten Hag mang đến có giá trị thực sự.
Gặp Liverpool – đối thủ được đánh giá cao hơn nhiều, hay Southampton trung bình khá, Leicester City khủng hoảng và Arsenal đang bay cao, Quỷ đỏ ra sân với một thái độ như nhau. Và đó là 4 trận thắng. Để Man United “từ đáy xã hội” – theo cách nói vui trên mạng xã hội, đã vào Top 5 và chỉ còn kém đội đầu bảng 3 điểm.
Thắng Liverpool, thắng Arsenal, chừng đó đã đủ để Quỷ đỏ đưa ra một tuyên bố? 4 trận thắng liên tiếp đã đủ để Manucians khẳng định đội nhà đã sẵn sàng trở lại đường đua? Những người lạc quan có thể làm điều đó, nhưng với những ai theo chủ nghĩa hoài nghi, vẫn còn quá sớm.
Man United mùa này bổ sung những nhân tố chất lượng (Casemiro, Christian Eriksen) và cả những người rất hiểu Ten Hag (Lisandro Martinez, Antony). Huấn luyện viên 52 tuổi đã thành công bước đầu trong việc khơi gợi khí thế chiến đấu của những Marcus Rashford, Scott McTominay, phát huy khả năng của Diogo Dalot, Anthony Martial, Jadon Sancho, Antony Elanga, trao cho Bruno Fernandes trọng trách, chặn đứng những câu chuyện kỷ luật liên quan đến Harry Maguire, Cristiano Ronaldo… Nhưng chừng đó chưa đủ để Man United thoát khỏi câu hỏi “sự hưng phấn được duy trì đến bao giờ?”.
Arsenal cũng được đặt vào câu hỏi tương tự trong nhiều năm qua vì nó đã trở nên quá… bình thường. Với Man United, điều nguy hiểm là “sự bình thường” đó cũng đang trở nên quen thuộc.
Lật lại quá khứ cách đây chưa quá lâu, Ole Gunnar Solskjaer cũng từng có sự thăng hoa tương tự, thậm chí thống kê ngoạn mục hơn như thắng 6 trận liên tiếp, bất bại 12 trận liên tiếp hay thắng 10 trận ở nửa cuối mùa giải 2018-2019. Kết thúc của huấn luyện viên người Na Uy là gì, giờ ai cũng biết.
Từ điều đó có thể thấy, sau một giai đoạn tập trung và căng hết sức để có kết quả tốt, các ngôi sao của M.U sẽ đưa mình vào vị thế “cũ”. “Cũ” tức là vị thế của đội bóng trong quá khứ, với ánh hào quang mà Sir Alex Ferguson cùng nhiều thế hệ cầu thủ từng tạo ra chứ không phải dàn sao hiện tại. Và vì thế, sự đi xuống, rồi sụp đổ đến rất nhanh.
Ten Hag có thể đủ niềm tin để xây dựng triết lý của mình nhưng thành công hay không lại phụ thuộc vào trạng thái của các cầu thủ.
Thời điểm này, sau rất nhiều nỗi thất vọng, Manucians có quyền hỉ hả mà rằng, “đá thế này, có thua cũng sướng”. Vì sự nhiệt huyết trong các cầu thủ được phát tiết, tất cả đều thấy được sự cố gắng của họ. Nhưng, hãy nên đề phòng, bởi cần chờ xem cho đến khi chuỗi trận thành công của họ được kéo căng tối đa có thể, thái độ chơi bóng của họ sẽ quyết định vấn đề.
Nhiều ngôi sao đã đến, đã khởi đầu thành công, để rồi cả tập thể kéo nhau đi xuống. Manucians rất hy vọng điều đó sẽ không đến ở kỷ nguyên của Ten Hag. Còn bây giờ thì chưa thể tuyên bố bất kỳ điều gì cả.