Cho trẻ trải nghiệm
Trong những tuần trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường thường có các chương trình giúp học sinh, trẻ nhỏ tìm hiểu phong tục tập quán của các dịp lễ tết như hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, gian hàng tết, viết câu đối, thi sắp xếp mâm ngũ quả, tổ chức các trò chơi dân gian,... Nhưng năm nay, do dịch bệnh, các hoạt động giáo dục này cũng có sự thay đổi, điều chỉnh thích hợp để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Tết năm nay, thay vì tổ chức theo phạm vi toàn trường, học sinh Trường Mầm non Quảng Minh (Việt Yên, Bắc Giang) được tham gia các hoạt động trải nghiệm theo từng lớp học để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
"Các cô chuẩn bị mỗi lớp một không gian Tết riêng và các con vẫn được tham gia các hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, sắp xếp mâm ngũ quả, cắm hoa... nhưng theo phạm vi lớp học. Bố mẹ sẽ chuẩn bị để các con mặc trang phục áo dài truyền thống, chụp những bức hình thật đẹp để lưu giữ kỉ niệm" - cô Cao Thị Vân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Còn tại Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh vẫn chưa được đến lớp. Do đó, mọi hoạt động trải nghiệm như hằng năm đều không thể thực hiện.
Những ngày qua, ban giám hiệu Trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) đã lên ý tưởng và chuẩn bị 1 video giới thiệu sách, chủ đề về đạo hiếu và giới thiệu các truyền thống của ngày tết. Chia sẻ về hoạt động này, cô Cao Thị Lan Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Video sẽ được phát trên Fanfage của nhà trường vào ngày mùng 1 Tết. Cùng với đó, chúng tôi lồng ghép những lời chúc tốt đẹp gửi tới học trò và các bậc phụ huynh nhân dịp đầu xuân năm mới. Bên cạnh đó, Ban phụ huynh cũng đã phối hợp cùng nhà trường, chuẩn bị 14 suất quà Tết trao tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn".
Giáo dục văn hóa Tết truyền thống
Xa quê hương lên Hà Nội làm ăn, sinh sống, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, gia đình chị Thúy Tình (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại sắm sửa đồ đạc để về quê đón tết. Với chị, Tết là dịp để cả gia đình sum vầy, tụ họp sau 1 năm làm việc vất vả. Đây cũng là quãng thời gian giáo dục con trẻ về truyền thống, văn hóa, đạo lí tôn sư trọng đạo để sau này, con luôn nhớ về cội nguồn, những cảm xúc của tình thâm, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc
"Các con dù bé nhưng vẫn được tham gia vào các giai đoạn của việc gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, làm cỗ,... theo khả năng. Chẳng hạn, bạn bé thì sẽ giúp bà rửa lá dong, bạn lớn sẽ được học cách để gói bánh chưng vuông vắn, đầy đặn. Vậy nên, cứ Tết đến là các con đều rất háo hức, chỉ mong nhanh được về quê, gói bánh chưng, canh lửa và chờ bánh chín...
Năm nay, do dịch bệnh nên mọi hoạt động du xuân đều hạn chế. Tôi dự kiến, những ngày tết sẽ dành thời gian để sum họp gia đình, thăm hỏi ông bà, bố mẹ, họ hàng gần xa,... Tôi muốn con cảm nhận được sự thiêng liêng, tình cảm gia đình trong những ngày Tết" - chị Tình chia sẻ.
Năm nay là năm học đặc biệt đối với Thanh Lam – học sinh lớp 12 Trường THPT FPT (Hà Nội) khi em được tham gia cuộc thi “mỗi ngày một Tết” nằm trong chuỗi sự kiện "NỐT XUÂN 2022" do nhà trường tổ chức. Theo đó, em sẽ thực hiện một trong các thử thách như: Dọn nhà, mua sắm đồ tết, trang trí nhà, nấu ăn cùng gia đình, một điều bất ngờ dành tặng cho gia đình,…
“Em tham gia thử thách nấu ăn cùng gia đình. Được tự tay cùng mẹ chuẩn bị các nguyên liệu, thực hiện các món ăn, mâm cỗ cúng trong ngày Tết ông Công ông Táo khiến em rất vui và háo hức. Dù có chút mệt nhưng bù lại, em được lắng nghe mẹ kể về ý nghĩa của từng món ăn, những lưu ý khi làm cỗ, những phong tục, lễ nghi trong các ngày lễ Tết,…“ – Thanh Lam háo hức kể lại.
Không chỉ giáo dục cho học sinh về những nghi lễ, phong tục truyền thống ngày Tết Nguyên đán, nhiều trường học, đơn vị còn tổ chức các chương trình từ thiện, quyên góp và trao những món quà tết cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn không ngừng lan tỏa, giáo dục cho học sinh về đạo lý truyền thống tốt đẹp, quý báu “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc nhất là trong dịp tết đến, xuân về.