Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trịnh Quốc Việt (phường Thanh Nhàn) đã bày tỏ hài lòng khi Quốc hội tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề cử tri quan tâm và mong muốn hơn cả là sau phiên chất vấn, sau khi có nghị quyết của Quốc hội thì phải được tổ chức thực hiện, các tư lệnh ngành thực hiện lời hứa như vấn đề y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, nợ công…
Theo cử tri, đạo đức văn hóa có nhiều vấn đề nổi cộm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố do mạng xã hội, phim ảnh… Đặc biệt, cử tri rất quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng. “Dự án trên dưới 10 nghìn tỉ đồng thua lỗ, làm nghèo đất nước. Không phải họ không có năng lực, trình độ mà chính là do thiếu trách nhiệm, có lợi ích nhóm. Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như thế, vậy mà lại có sân golf trong đó? Tôi thấy lạ lắm, nhân dân lạ lắm. Tôi cho rằng, cần phải xem xét, lấy lợi ích dân tộc, đất nước lên trên hết, loại bỏ lợi ích cục bộ”, cử tri Chất nói.
Theo Tổng Bí thư, kỳ họp diễn ra từ 22.5 đến 21.6 đã thu được khối lượng công việc rất lớn với nhiều luật, nghị quyết được thông qua và cho ý kiến nhiều dự án luật. Đặc biệt, đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015. “Đây là bộ luật rất lớn, rất quan trọng, nhạy cảm, chuẩn bị bao nhiêu lâu rồi, thông qua tại khóa trước rồi nhưng chưa thực hiện được phải dừng lại để sửa”, Tổng Bí thư cho biết.
Điểm đáng chú ý là phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề được tranh luận, chất vấn rất thẳng thắn. Nếu như trước đây phần lớn chỉ hỏi và trả lời, thì giờ chuyển nhiều sang tranh luận, không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Ngoài những thành công, Tổng Bí thư cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế như chất vấn làm sao để thấy được trách nhiệm, để làm sao sửa chữa những thiếu sót, hạn chế để làm tốt hơn chức trách của mình. “Nói nhiều nhưng quan trọng là có chuyển biến trong cuộc sống hay không. Nói hay là cần rồi, thuyết phục nhau là cần rồi, nhưng sau đó phải chuyển biến trong thực tế hành động, đó là cái cần”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Phấn đấu tới năm 2020, diện tích cây xanh Hà Nội đạt từ 10 - 11m2/người
Trả lời ý kiến của cử tri về việc thay thế cây xanh của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Đức Chung cho rằng, tới 31.12.2015, tính trung bình 1 người dân Hà Nội có 6,7-,68m2 cây xanh. Phấn đấu tới năm 2020, diện tích cây xanh đạt từ 10-11 m2/người. Để thực hiện chương trình này, TP đã đưa ra chương trình 1 triệu cây xanh, tính từ 1.1.2016 tới nay, chúng ta đã trồng được 320.000 cây xanh.
Chúng ta trồng cây xanh tại 5 nơi: Thứ nhất, trồng ở bổ sung tại các công viên chúng ta xây dựng mới. Thứ hai, trồng tại 2.592 trường học sẽ trồng 32.000 cây xanh, phấn đấu đến hết 2018 sẽ trồng xong tại các trường học. Trồng bổ sung trên các tuyến phố mà trong nhiều năm cây bị đổ, mục nát. Trồng trên các tuyến đường xây dựng mới. Khuyến khích người dân trồng tại khuôn viên nhà riêng, các cơ quan nhà nước, công ty tư nhân.