* Lên phương án xử lý tiền chậm đóng BHXH kéo dài. * Từ ngày 1.4.2023, COVID-19 được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội.
Hơn 4.048 tỉ đồng khó thu
Theo BHXH Việt Nam, số tiền các đơn vị chậm đóng từ 1-3 tháng là 220 tỉ đồng; số tiền các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên là 8.888 tỉ đồng; số tiền các đơn vị khó thu (đơn vị phá sản, đơn vị giải thể, đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị chủ bỏ trốn) là 4.048 tỉ đồng.
Số lao động tại các đơn vị chậm đóng từ 1 dưới 3 tháng là 2.133.660 lao động; lao động tại các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên là 440.812 lao động; số lao động tại các đơn vị chậm đóng khó thu là 213.360 lao động.
Chỉ riêng năm 2022, 5 địa phương chậm đóng cao nhất toàn quốc là Hà Nội (có số tiền chậm đóng là 3.661 tỉ đồng, tương ứng với 49.639 đơn vị chậm đóng và 323.733 lao động); Hải Phòng (có số tiền chậm đóng là 591 tỉ đồng, tương ứng với 5.011 đơn vị chậm đóng và 71.966 lao động); TP.Hồ Chí Minh (có số tiền chậm đóng là 3.432 tỉ đồng, tương ứng với 62.440 đơn vị chậm đóng và 604.263 lao động); Cà Mau (có số tiền chậm đóng là 86 tỉ đồng, tương ứng với 736 đơn vị chậm đóng và 11.102 lao động); Đắk Nông (số tiền chậm đóng là 44 tỉ đồng, tương ứng với 2.883 đơn vị chậm đóng và 31.035 lao động).
Trong khi đó tình trạng nợ bảo hiểm nhiều năm đang trở thành vấn đề nóng. Đơn cử tại Thanh Hoá, tính đến đầu tháng 1.2023, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền hơn 466 tỉ đồng. Thậm chí có những doanh nghiệp nợ BHXH hơn 6 năm, với số tiền hàng chục tỉ đồng.
Cụ thể như khối hành chính sự nghiệp, có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Thanh Hóa (nợ 25 tháng), với số tiền hơn 3,5 tỉ đồng; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn (nợ 19 tháng) với số tiền 500 triệu đồng; Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng TP.Thanh Hóa (nợ 12 tháng), với số tiền 317 triệu đồng; Đoàn Quy hoạch và Thiết kế thuỷ lợi Thanh Hóa (nợ 4 tháng), với số tiền 136 triệu đồng; Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thanh Hoá (nợ 5 tháng), với số tiền 290 triệu đồng…
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN; chưa phối hợp với cơ quan BHXH hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện.
Trong đó, một số doanh nghiệp có số lao động nhiều, số tiền nợ lớn và thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 862 lao động (nợ 22 tháng), với số tiền hơn 18,8 tỉ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động (nợ 79 tháng - hơn 6 năm), với số tiền hơn 15,4 tỉ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 202 lao động (nợ 22 tháng), với số tiền hơn 6,3 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 5 có 70 lao động (nợ 52 tháng), với số tiền hơn 14,9 tỉ đồng.
Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 4 có 63 lao động (nợ 55 tháng), với số tiền hơn 9,2 tỉ đồng; Công ty TNHH Một thành viên JLG Vina có 102 lao động (nợ 31 tháng), với số tiền hơn 4 tỉ đồng; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone có 140 lao động (nợ 18 tháng), với số tiền 2,4 tỉ đồng…
Hay tại Nghệ An, tỉnh này đã công bố danh sách 52 đơn vị nợ lớn, với tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và số tiền lãi chậm đóng lên tới hơn 138,9 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị nợ nhiều nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 24 có địa chỉ tại đường Xiêng Khoảng, xã Nghi Phú, TP.Vinh, nợ 129 tháng với số tiền lên tới hơn 21,5 tỉ đồng. Công ty này hiện chỉ có 8 lao động.
Đứng thứ 2 trong danh sách nợ là Công ty Cổ phần 482, địa chỉ số 126 Mai Hắc Đế, thành phố Vinh nợ 84 tháng với số tiền hơn 16,7 tỉ đồng. Công ty này hiện chỉ còn 2 lao động…
Quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo BHXH TP.Hà Nội - địa phương dẫn đầu về chậm đóng BXXH năm 2022 thì nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn cao là do dịch COVID-19, xung đột tại Châu Âu… làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp chưa cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định, cố trình chậm đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng quy định.
Điều này làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Về phía doanh nghiệp, nếu không nộp đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, BHTN, người lao động sẽ không yên tâm gắn bó lâu dài. Còn với người lao động, nếu không may làm việc trong các đơn vị chậm đóng BHXH, họ bị ảnh hưởng đến những quyền lợi chính đáng, nhất là khi giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Còn theo ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc quản lý, điều hành BHXH TPHCM - tác động của dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và tái bố trí NLĐ dẫn đến NLĐ tạm thời ngưng việc hoặc chấm dứt HĐLĐ, làm tăng tỉ lệ lao động thất nghiệp, giảm số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền thu, tăng số tiền nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT. Nguyên nhân khác là hiện nay cơ quan BHXH chưa được giao đầy đủ trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT nên chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Nguyễn Hữu Học - Đoàn luật sư TPHCM - cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT thì vẫn phải đóng khoản tiền này và chịu thêm một khoản lãi suất theo quy định.
Ngoài ra, hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể bị xử lý hình sự, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 7 năm tù và doanh nghiệp phạm tội có thể bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng.
Thực tế, BHXH TPHCM đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố 84 đơn vị, doanh nghiệp nợ quỹ BHXH 158 tỉ đồng.