Huyện Phù Yên là huyện vùng cao ở tỉnh Sơn La, cách trung tâm TP Sơn La hơn 100 km, bà con chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Thái, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.
Từ khi có Nhà máy may Phù Yên hoạt động tại xã Gia Phù, nhiều người dân ở khắp các bản làng của huyện Phù Yên đã về đây làm công nhân, với mức thu nhập ổn định, cuộc sống của bà con ngày một khấm khá.
Anh Đinh Văn Tâm (38 tuổi) người dân tộc Mường ở bản Cha, xã Tường Thượng kể - gia đình anh trước đây chỉ biết làm nương rẫy, kiếm củi trên rừng, nhà có 5 miệng ăn nên quanh năm nghèo đói, làm không đủ ăn, cháu lớn chỉ học đến lớp 8 thì phải nghỉ học phụ bố mẹ, cuộc sống rất khó khăn.
Anh làm việc tại tổ là ủi ở nhà máy may Phù Yên đã được 5 năm, một ngày ngoài làm việc 8 giờ, tăng ca khoảng 1-2 giờ, mức lương của anh có thể đạt 15-16 triệu/tháng, đảm bảo được mọi nhu cầu thiết yếu cho gia đình mình.
“Từ khi làm việc ở nhà máy, gia đình tôi không còn thiếu ăn nữa, các con được đi học đầy đủ. Ngoài ra, tôi còn mua sắm được nhiều tiện ích như xe máy, tủ lạnh, tivi…
Dự kiến cuối năm nay, sẽ xây một ngôi nhà cấp 4 mới, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo” - anh Tâm phấn khởi khoe.
Còn chị Đinh Thị Vinh, bản Khảo, xã Tường Hạ chia sẻ, chị làm việc tại nhà máy đã được gần 5 năm, có thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/tháng, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được bảo đảm. Chị dự kiến đầu năm tới sẽ đón cả chồng về nhà máy để làm việc.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Nhà máy may Phù Yên chia sẻ - sau 6 năm đi vào hoạt động, nhà máy có hơn 500 công nhân, lao động, thực hiện gia công hàng may mặc xuất khẩu và trang phục của các ngành y tế, dân quân tự vệ, công an xã...
Theo bà Thủy, nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, gồm một phân xưởng may chính 5.000 m², kho hoàn thiện sản phẩm 1.000 m², nhà ăn ca 1.300 m²... tất cả đều được trang bị hệ thống PCCC tự động…
Bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị trong việc phát triển kinh doanh là sự đồng hành của chính quyền tỉnh Sơn La, đặc biệt là Sở Công Thương trong công tác tuyển dụng lao động, hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị…
“Công nhân tại Nhà máy may Phù Yên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, chưa có cơ hội tiếp xúc với máy móc hiện đại nên quá trình đào tạo nghề diễn ra rất nghiêm túc, kỹ càng.
Đồng thời, chúng tôi quan tâm và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của người lao động theo quy định của pháp luật, đảm bảo lương, thu nhập cho người lao động. Làm tốt công tác chăm lo đời sống người lao động thông qua các chính sách hỗ trợ xăng xe, tổ chức khám sức khỏe 2 lần/năm.
Đặc biệt, để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài, công ty đang tài trợ học bổng cho 9 sinh viên là con của người lao động, đang theo học chuyên ngành may mặc và tiếp nhận họ đảm nhận vị trí kỹ thuật sau khi tốt nghiệp”- bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Thái Thị Mai - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Sơn La cho biết, Nhà máy may Phù Yên từ khi đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng. Qua đó, đời sống bà con được cải thiện, nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo.