Tại thủ đô Berlin, Đoàn đã có buổi làm việc với Liên hiệp Công đoàn Đức. Trao đổi với Đoàn, bà Christina Stockfisch, chuyên gia Chính sách Toàn cầu và khu vực châu Âu về Bình đẳng giới của DGB cho biết với khoảng 6 triệu đoàn viên, trong đó 1/3 là nữ, DGB đã đạt được nhiều thành công trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, xây dựng chính sách về khí hậu, đào tạo, cơ hội nghề nghiệp, phân bổ lao động, việc làm, giải quyết những khó khăn của lao động nữ trong quá trình chuyển dịch.
Đại hội Toàn quốc DGB lần thứ 22 diễn ra tháng 5.2022 đưa ra những đề xuất cụ thể về chính sách phát triển kinh tế và những yêu cầu trong chương trình nghị sự của công đoàn Đức, đòi hỏi sự tham gia tích cực từ đoàn viên trong quá trình chuyển dịch. Có thể nói sự tham gia của công đoàn đã đóng góp không nhỏ vào quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm thiểu khí thải CO2, xây dựng chính sách doanh nghiệp trong bối cảnh áp lực gia tăng về giá cả năng lượng và những vấn đề sau đại dịch…
DGB đã thiết lập Văn phòng về Chuyển dịch công bằng tại các địa phương, duy trì trao đổi với đoàn viên về các vấn đề liên quan đến người lao động trong quá trình chuyển dịch, đồng thời thông qua Văn phòng tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động. Hoạt động này được thí điểm thực hiện ở một vài đơn vị, người lao động sau khi được đào tạo sẽ tiếp tục truyền đạt lại cho những người lao động khác tại nơi làm việc.
Cũng tại buổi làm việc, ông Stephanie Albrecht-Suliak, Chuyên gia về Hợp tác Quốc tế, Công đoàn Mỏ, Hoá chất và Năng lượng Đức (IG BCE) cho biết trước thách thức về khủng hoảng năng lượng và nhu cầu đa dạng hoá nguồn năng lượng, ở cấp công đoàn ngành nghề, IG BCE đã tích cực tham gia, kiến nghị với các Uỷ ban chuyển dịch trong từng lĩnh vực cụ thể, nhằm duy trì chính sách cung cấp năng lượng an toàn, tăng cơ cấu việc làm tại các vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo việc làm và cuộc sống cho người lao động.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cảm ơn những thông tin và kinh nghiệm rất hữu ích từ phía DGB, đồng thời khẳng định việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về ứng phó với những thách thức toàn cầu trong thời đại mới của công đoàn các nước trên thế giới, đặc biệt là quốc gia phát triển như Cộng hoà Liên bang Đức có ý nghĩa quan trọng, đóng góp thiết thực vào nỗ lực đổi mới của Công đoàn Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh chia sẻ thông tin về những thành tựu Công đoàn Việt Nam đạt được cũng như những thách thức, khó khăn gặp phải trong thời gian qua, đặc biệt trong nỗ lực ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến đoàn viên, người lao động tại Việt Nam.
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai tổ chức, đặc biệt là thành công của các dự án mà DGB đã hỗ trợ Công đoàn Việt Nam về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và bình đẳng giới trong nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị DGB tiếp tục hỗ trợ Tổng Liên đoàn về những nội dung liên quan đến chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới và hy vọng hai bên sẽ phối hợp hiệu quả, hướng đến mục tiêu đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trước thách thức của giai đoạn chuyển dịch - Phó Chủ tịch Phan Văn Anh phát biểu tại buổi làm việc.