Theo chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, COVID-19 khiến 60% doanh nghiệp ngành gỗ tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai - những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - phải tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng các tiêu chí sản xuất "3 tại chỗ".
"Doanh nghiệp chúng tôi đã phải thu hẹp sản xuất tới 40%, khoảng 30% lao động ngừng làm việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tất cả đơn hàng xuất khẩu đều phải điều chỉnh" - ông Hoàng Kiều Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Triển, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ tại Bình Dương, chia sẻ với PV Lao Động.
Theo ông Phong, cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ đã bắt đầu từ đầu tháng 8, đến đầu tháng 11, hầu hết đơn hàng phải giao cho đối tác ở Mỹ và Châu Âu để họ cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, năm nay, khả năng rất cao là trong những tháng còn lại của năm 2021, việc hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu là gần như không thể.
Đơn hàng tới tấp, không có lao động để làm
Theo báo cáo của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), hiện chỉ có khoảng 30-40% trong số hơn 600 doanh nghiệp thuộc HAWA còn duy trì hoạt động. Tuy vậy, với những doanh nghiệp còn tiếp tục sản xuất, công suất cũng chỉ đạt được khoảng 35-40%.
Tại Bình Dương, số lượng doanh nghiệp còn duy trì hoạt động thậm chí còn ít hơn do địa phương này gần đây bị biến chủng mới Delta hoành hành, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.
Chính điều này đã dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp ngành này không thể hoàn thành kịp đơn hàng để giao cho đối tác trong những tháng còn lại của năm 2021.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch HAWA - cho Lao Động biết: "Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, các thị trường chính của Việt Nam là Mỹ, Châu Âu… đang phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các thị trường này đang tăng cao.
Do đó, nếu không cung ứng đủ số lượng sản phẩm theo đơn hàng đã ký từ trước, họ sẽ có những phương án khác thay thế. Khi khách hàng đã ra đi việc kết nối lại là vô cùng khó khăn" - ông Phương chia sẻ.
Ông Đỗ Xuân Lập - Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định) - nói rằng, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.
"Trước đây, trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp của chúng tôi xuất khẩu hàng trăm container sản phẩm, thì nay giảm mạnh chỉ còn 40 container. Nếu không được ổn định sản xuất, nguy cơ chậm đơn hàng là hiện hữu" - ông Lập nói.
Ưu tiên tiêm vaccine cho 100% công nhân ngành gỗ ở vùng dịch
Hiện tại, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đều đã có những phương án thiết lập "vùng xanh" cho doanh nghiệp khởi động sản xuất. Trong đó, TPHCM đưa ra 4 phương án hoạt động để doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp.
Trong đó, phương án 1 tiếp tục thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "3 tại chỗ theo kíp" linh hoạt. Phương án 2 tiếp tục thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm" linh hoạt. Phương án 3 cả 2 mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm". Và phương án 4 là tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Chánh Phương, việc khôi phục ngay quá trình sản xuất lúc này rất khó. Chẳng hạn tại TPHCM, hiện phần lớn người lao động trong ngành gỗ đã sơ tán về các tỉnh, việc gọi những người này trở lại làm việc là không thể trong thời điểm này do di chuyển giữa các địa phương không được.
Thậm chí, để có thể hoạt động, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tuyển nguồn lao động mới, nhưng không khả thi do quá trình thử tay nghề, test COVID-19 với nguồn lao động mới cũng phải mất từ 3 đến 4 tuần…
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch.
Đồng thời, cho phép các hiệp hội, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vaccine tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho công nhân, kinh phí sẽ do các doanh nghiệp và hiệp hội tự chi trả.