Nhà ở cho CNLĐ còn là vấn đề nhức nhối
Theo ông Hà Đông - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.Hà Nội, nhà ở vẫn là vấn đề nhức nhối của nhiều NLĐ. Mặc dù TP.Hà Nội đã có những chính sách về nhà ở cho người có thu nhập thấp và thí điểm xây dựng khu nhà ở cho CN Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long và một số doanh nghiệp xây dựng nhà cho CN nhưng số lượng CN có nhà ở vẫn rất thấp. Từ đó dẫn đến tình trạng CN phải thuê trọ bên ngoài, xa KCN khiến an ninh trật tự trong các thôn nơi có CN thuê trọ có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Cụ thể, tại KCN Phú Nghĩa, Thạch Thất - Quốc Oai, thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 10% chỗ ở cho CNLĐ, còn 90% CNLĐ vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Hạ tầng xã hội trong các KCN như: Nhà trẻ, trường mầm non còn ít, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ CNLĐ ở các KCN tập trung hầu như chưa có.
KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn cách trung tâm huyện Sóc Sơn 7km, không có nhà ở cho CN. CN ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ trong thôn thuộc hai xã Quang Tiến và Mai Đình với số lượng hơn 2.000 CN. Trong đó, tại thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến có số CN thuê trọ đông nhất là 1.150 CN. Do đặc điểm của CN ở các KCN phải làm theo ca, kíp, vì vậy việc đi lại diễn ra cả ngày lẫn đêm. Mặt khác, số CN tạm trú thuê trọ thường xuyên không cố định rất khó khăn trong công tác quản lý. Tình hình an ninh trật tự trong các thôn nơi có CN thuê trọ có chiều hướng ngày càng phức tạp, nhất là phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ, sinh hoạt, vay nợ, tệ cờ bạc, lô đề, trộm cắp tiềm ẩn phức tạp.
Các giải pháp để CN an tâm sinh sống
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên cũng như tạo điều kiện để CNLĐ an tâm sinh sống, học tập và công tác, năm 2012, LĐLĐ và Công an TP.Hà Nội đã phối hợp chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình Tổ tự quản các khu nhà trọ CN trên địa bàn thành phố. Ban chỉ đạo gồm 11 thành viên, trong đó Phó Giám đốc Công an TP, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP đồng Trưởng ban Chỉ đạo, Phòng PA 28 Công an TP và Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP là 2 cơ quan thường trực tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo, đôn đốc hướng hoạt động.
Các bên cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo đồng bộ các đơn vị tập trung các hoạt động triển khai tới các Tổ tự quản như: Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, phòng ban chức năng, các sở ngành thuộc thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, tuyên truyền Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản đến CNLĐ các khu nhà trọ CN.
Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Nhà văn hóa CĐ Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Ban An toàn giao thông thành phố... hằng năm triển khai kế hoạch và tổ chức biểu diễn văn nghệ, phong trào hát cho CN nghe, nghe CN hát. Đưa hoạt động văn hóa văn nghệ, chiếu phim miễn phí hướng về cơ sở góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ các Tổ tự quản...
Việc xây dựng mô hình các Tổ tự quản khu nhà trọ CN đã góp phần tích cực trong việc tạo dựng được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, CĐ và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức CĐ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của CN, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN. Từ đó kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của CN, hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.