Khi nắm được thông tin dự kiến vào ngày 12.6 sắp tới Thủ tướng gặp gỡ công nhân lao động (CNLĐ), LĐLĐ các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL đã khẩn trương tổ chức ghi nhận ý kiến của CNLĐ trên địa bàn của mình. Đồng thời, lựa chọn các đoàn viên Công đoàn, NLĐ tiêu biểu để tham dự điểm cầu
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch LĐLĐ TP.Cần Thơ cho biết, từ khi nhận thông tin là đơn vị được chọn tham gia Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ năm 2022, LĐLĐ TP.Cần Thơ đã khẩn trương tổ chức ghi nhận ý kiến, kiến nghị của CNLĐ trên địa bàn TP.Cần Thơ và đã lựa chọn 50 CNLĐ tiêu biểu trên địa bàn TP để tham dự tại điểm cầu ở TP.Cần Thơ.
Theo bà Lê Thị Sương Mai, qua ghi nhận ý kiến CNLĐ, LĐLĐ TP.Cần Thơ đã tổng hợp tất cả các ý kiến này.
"Cụ thể, CNLĐ có ý kiến mong muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng đôn đốc giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ NLĐ bị nhiễm COVID-19, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho CNLĐ theo Quyết định 08.2022.QĐ-TTg.
Ngoài ra, hiện nay đời sống NLĐ rất chật vật, thu nhập thấp trong khi đó vật giá hiện nay tăng cao đã khiến đời sống CNLĐ, đặc biệt là những người ở trọ tại khu công nghiệp, CNLĐ có con nhỏ,… rất thiếu thốn. CNLĐ mong Thủ tướng xem xét mức tăng lương tối thiểu vùng, thời gian tăng lương càng sớm thì họ đỡ vất vỡ hơn. Đồng thời, cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, như: Không ký hợp đồng lao động; nợ bảo hiểm xã hội vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc,…
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, các chợ dân sinh, đảm bảo cho CNLĐ được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập" - bà Sương Mai thông tin.
Ông Phan Văn Thành, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngay sau khi có được thông tin ban đầu, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trên địa bàn thông tin, tập hợp ý kiến rộng rãi trong CNLĐ. Sau đó, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long đã tiếp tục chỉ đạo các ban chuyên môn tiếp nhận, phân tích, tổng hợp.
Qua đó, CNLĐ tại các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét việc tăng lương tối thiểu vùng, còn khối hành chính sự nghiệp thì tăng lương cơ bản. Do hiện nay, giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo các dịch vụ và mặt hàng thiết yếu cũng tăng cao, trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ bản như hiện nay không đảm bảo được đời sống của CNVCLĐ, đặc biệt thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm thu nhập của NLĐ ngày càng giảm, không đảm bảo mức sống so với giá cả thị trường hiện tại.
Ông Phan Văn Thành cũng thông tin thêm, hiện nay, Vĩnh Long mức trợ cấp nhà trẻ, hỗ trợ giữ trẻ cho con CNLĐ ở các doanh nghiệp được thực hiện nhưng không đồng đều có nơi cao, nơi thấp. CNLĐ cũng ý kiến đề nghị có thống nhất về mức hỗ trợ.
Ông Hoàng Khắc Tinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Tiền Giang cho biết, LĐLĐ tỉnh đã khẩn trương tổ chức tiếp nhận ý kiến của NLĐ, đặc biệt là CNLĐ làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
“Nhiều CNLĐ ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét việc nâng lương tối thiểu vùng để NLĐ bớt chật vật hơn do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống của họ, đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng đã kéo theo các mặt hàng phục vụ thiết yếu cũng tăng, từ đó ảnh hưởng đến đời sống NLĐ” – ông Hoàng Khắc Tinh chia sẻ.