Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng
Từng quyết định nghỉ việc vì các chế độ không được đảm bảo, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1986), nhân viên Công ty CP Giải pháp Công nghệ an ninh Bảo Lan (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết: “Tôi bắt đầu vào công ty làm việc từ tháng 1.2023, được một thời gian thì nghỉ vì các chế độ không tốt. Đa số công nhân không được đóng các khoản bảo hiểm. Mọi người luôn trong tâm lý bất an...” - chị Lan cho biết.
Cũng theo chị Lan, thời điểm làm việc trong công ty chị đang mang thai. Việc không được đóng bảo hiểm khiến nhiều quyền lợi bị ảnh hưởng, đặc biệt chị không được hỗ trợ các chế độ về thai sản. Quyết định nghỉ việc và đến thời điểm hiện tại chị Lan vẫn chưa tìm được công việc mới. Càng gần Tết, chị càng gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống.
Cùng tâm trạng, chị Trạc Thị Cúc (SN 1981) cho hay, chị nghỉ việc từ tháng 8.2022 vì các chế độ ở công ty cũ không đảm bảo. Thậm chí, chị Cúc phải làm đơn tố cáo thì phía Công ty CP Giải pháp Công nghệ an ninh Bảo Lan mới trả hết lương còn nợ.
Chị Cúc cho hay, ngoài lương thấp, do không được đóng BHXH nên các quyền lợi của người lao động như ốm đau, thai sản... không được thực hiện.
“Nghỉ việc sau 1 thời gian dài tôi mới tìm được công việc mới. Tôi càng thấm thía nếu công ty không thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và mong sẽ có nhiều giải pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công nhân”, chị Cúc cho hay.
Nợ “khủng” các khoản bảo hiểm
Nợ trên 2.5 tỉ đồng tiền bảo hiểm với thời gian hơn 15 tháng, Công ty CP May Thành Hưng (TP Thái Nguyên) đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh sản xuất, thu hút lao động.
Ông Nguyễn Viết Hạnh - Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng - cho biết: “Năm 2023, các đơn hàng và giá trị sản phẩm bị sụt giảm nghiêm trọng nên rất khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn vị hiện tại chỉ còn hơn 100 công nhân lao động. Tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên mới chậm giải quyết các khoản về bảo hiểm, dẫn đến tình trạng nợ trên 2.5 tỉ đồng tiền bảo hiểm”.
“Biết là nợ các khoản bảo hiểm thì sẽ thiệt thòi cho người lao động nên thời gian qua công ty cố gắng đưa ra hướng khắc phục tạm thời. Nhiều trường hợp chưa được bảo hiểm thanh toán các chế độ thì công ty cũng hỗ trợ, giải quyết chi trả cho công nhân. Đặc biệt, là các trường hợp đau ốm, thai sản”, ông Hạnh thông tin thêm.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh hiện còn gần 300 đơn vị nợ tiền bảo hiểm với số tiền nợ lên tới gần 54 tỉ đồng.
Một số doanh nghiệp có nợ kéo dài với số tiền lớn như Công ty CP May Thành Hưng, HTX Công nghiệp & Vận tải Chiến Công, Công ty TNHH Bao bì Anh Dương...
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lò Thị Hoán - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên - cho biết, trước thực trạng này, đơn vị thường xuyên có văn bản đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định. Đồng thời, chỉ đạo BHXH cấp huyện thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, xử lý. Đối với những doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài thì đã có xử phạt hành chính. Bước cuối cùng là hoàn tất thủ tục và chuyển sang cơ quan điều tra nhưng nhiều vướng mắc nên khó thực hiện phương án này.