Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Bạo – Trưởng phòng Chính sách Lao động (Sở LĐTBXH Thái Nguyên) cho biết, mục tiêu của việc số hóa thị trường lao động nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc” và quản lý lao động gắn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đồng thời, xây dựng, phát triển ứng dụng điện tử đăng ký “Việc tìm người - Người tìm việc”, qua đó, giúp người lao động, đặc biệt người nghèo, đồng bào dân tộc... dễ dàng tìm được công việc sát với nhu cầu.
Theo ông Bạo, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm của sở đang thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của gần 1.200 doanh nghiệp/năm, với nhu cầu cần tuyển dụng trên 30.000 chỉ tiêu, tại hơn 35 vị trí việc làm.
Song song với đó, Trung tâm cũng phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện rà sát, nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm thường xuyên của hơn 10.000 NLĐ/năm.
"Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực tiếp thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của 350 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng tại hơn 20 vị trí việc làm và hơn 20.000 chỉ tiêu.
Những thông tin cơ bản như trình độ, kỹ năng lao động, tình trạng việc làm, quan hệ lao động, tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện; thông tin đăng ký lao động của NLĐ thông qua ứng dụng điện tử đăng ký việc làm hoặc các ứng dụng khác có liên quan... đều được cập nhật đầy đủ”, ông Bạo cho hay.
Đại diện Sở LĐTBXH Thái Nguyên cho rằng, việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động giúp các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được tình hình cung - cầu lao động, những biến động để phân tích, dự báo sát...
Cùng đó, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin để có kế hoạch xây dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động và NLĐ cũng nắm bắt được thông tin về thị trường lao động và dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp.
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ về thông tin TTLĐ trước trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19 và sự biến động của TTLĐ, Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập việc làm trống, người tìm việc gián tiếp qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Internet... Tổng hợp, phân tích và từng bước xây dựng dữ liệu cung - cầu lao động.
Kết quả từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tiến hành thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của hàng trăm lượt doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng hơn 25 vị trí việc làm, gần 26.000 chỉ tiêu tuyển dụng thường xuyên. Trung tâm cũng đã phối hợp với các địa phưởng tổ chức khảo sát nguồn nhân lực đang sẵn sàng tham gia TTLĐ.
Trên cơ sở khảo sát thực tế và đưa ra các thông tin dự báo về TTLĐ của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các địa phương đã có sự chủ động phân luồng lao động sớm thông qua các hoạt động tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, NLĐ.
Các trường nghề nắm bắt được xu thế vận động xã hội để điều chỉnh ngành nghề đào tạo, tổ chức đào tạo chất lượng, hiệu quả và gắn hoạt động đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng cung - cầu của TTLĐ trong tình hình mới.
Để làm tốt hơn nữa công tác dự báo TTLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đào tạo để nắm bắt chính xác nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm của NLĐ, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
Từng bước hoàn thiện mô hình dự báo dài hạn và ngắn hạn phù hợp với điều kiện của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin TTLĐ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia TTLĐ đáp ứng yêu cầu phân tích và dự báo.
Theo số liệu của BHXH tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9.2023, toàn tỉnh có 91.551 lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền hơn 316 tỉ đồng. Nhờ được chi trả hỗ trợ kịp thời, nhiều người lao động đã có thêm điều kiện ổn định cuộc sống, sẵn sàng trở lại thị trường lao động, hoặc được hỗ trợ học nghề mới.