Trường mầm non mở cửa, công nhân khu công nghiệp nửa mừng nửa lo

Minh Hương |

TP.Hà Nội đã có thông báo cho phép trẻ mầm non được đi học trực tiếp từ ngày 13.4, nhận được thông tin, phụ huynh là công nhân vừa mừng vừa lo. Mừng vì được “giải phóng”, lo vì chuyện học phí, tìm trường cho con.

Kịp đón con ở quê

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, chị Trần Thị Huyền được nghỉ 5 ngày (3 ngày lễ, 2 ngày nghỉ ca kíp) nên đã về quê ở Nghệ An đón con gái Dâu Tây hơn 3 tuổi ra Hà Nội đi học mẫu giáo.

Trước đây trường mầm non đóng cửa do dịch bệnh, chị phải gửi Dâu Tây cho hàng xóm trông hộ. Mỗi lần gửi con từ sáng đến chiều tối tốn khoảng 80.000 đồng, trung bình mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Được 2 tháng, không gánh nổi chi phí, bất đắc dĩ chị phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Theo chị Huyền, bố mẹ 2 vợ chồng đều có tuổi, đông cháu. Thời điểm đó do khó khăn quá chị mới phải gửi con về với ông bà.

“Xa con, tôi khá lo lắng vì ở quê điều kiện không thể bằng thành phố được. Muốn mua sữa tốt, bánh ngon cũng phải chạy xe máy gần 20km lên huyện. Chưa kể lúc con ốm đau, chỉ có thể ra trạm xá khám rồi uống thuốc qua loa” - chị Huyền nói.

Chị Huyền làm công nhân 6 năm ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), còn chồng làm nghề tự do, thu nhập của hai vợ chồng có hạn, do vậy chị phải tính toán thật kỹ việc chọn trường cho con.

Nữ công nhân cho rằng, chi phí trường công ít hơn nhưng lại khá xa với phòng trọ, mặt khác, xin cho con vào học trường công lập cũng không dễ dàng nên chị quyết định tìm trường mầm non tư thục. Theo chị tìm hiểu, mỗi lớp học có khoảng 15 cháu/2 cô giáo. Học phí 950.000 đồng/tháng, chưa kể tiền ăn, tiền gửi con muộn... Người mẹ một con tính sơ sơ khoản chi tiêu cho con khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

“Ở công ty, tôi được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng do có con dưới 6 tuổi. Con đi học tôi sẽ phải gánh thêm phần chi phí trong tổng thu nhập nhận được là gần 7 triệu đồng. Dẫu vậy, tôi sẽ cố gắng đi làm để con được ở gần bố mẹ” - chị Huyền tâm sự.

Gỡ được mối lo

Có hai bé trai sinh đôi gần 4 tuổi, chị Nguyễn Ngọc Vân (công nhân KCN Thăng Long) nửa mừng nửa lo khi chỉ còn vài ngày nữa là các con được đến lớp. Vợ chồng chị đều làm công nhân, thời gian các con phải nghỉ học do dịch bệnh, chị Vân và chồng trầy trật chuyện trông, gửi con.

Hôm nào anh chị làm trái ca thì có thể thay phiên nhau cho con ăn uống, tắm rửa. Nếu làm cùng ca, vợ chồng chị ngược xuôi tìm người trông con.

“Khi thì tôi nhờ được bà chủ trọ để ý bọn nhỏ; nếu không sẽ gửi hàng xóm; Nhiều hôm đi làm, tôi lo “nơm nớp”, sợ con ở nhà nghịch dại. Sắp tới con đi học, tôi như gỡ được mối lo trong lòng” - chị Vân nói. Ngoài  ra, khi 2 con được đi học, chị Vân cho biết mình như được “giải phóng” vì làm ở công ty 8-12 tiếng, nhiều hôm mệt rã rời vẫn phải cơm nước, lo cho con cái.

Đang nói, chị Vân chép miệng, thở dài “lại tốn gần tháng lương của mẹ đây”. Hiện, mức lương cơ bản của chị Vân là 5,3 triệu đồng/tháng; thêm phụ cấp nhà ở, đi lại, độc hại… mỗi loại 200.000 đồng/tháng. Nếu được tăng ca đều đặn, hầu bao tăng thêm được 2-3 triệu đồng. Tính ra, thu nhập của vợ chồng công nhân khoảng 16 triệu đồng/tháng.

Gia đình 4 người phải trả 1,8 triệu đồng tiền thuê trọ (tính cả điện nước); tiền ăn gần 4 triệu đồng/tháng; xăng xe 300.000 đồng… Sắp tới 2 con đi học, chị Vân nhẩm tính tốn thêm gần 3 triệu đồng mỗi tháng, đó là chưa tính thêm tiền sữa, đồ ăn vặt cho con. Một rổ phải chi tiêu trong khi thu nhập của hai vợ chồng công nhân chỉ dao động 15-16 triệu đồng/tháng.

Chị Vân nói: “Làm công nhân lương chỉ có vậy, không có đồng ra đồng vào như nghề khác. Nếu chúng tôi không chắt bóp sao cả gia đình có thể bám trụ nổi?”.

Minh Hương
TIN LIÊN QUAN

Trường mầm non "trở tay không kịp", buộc phải lùi thời gian mở cửa

Vân Trang |

Hà Nội quyết định cho trẻ mầm non đến trường vào ngày 13.4, thời gian khá gấp gáp nên nhiều cơ sở giáo dục mầm non không kịp chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân  sự buộc nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngậm ngùi lùi lịch mở cửa đón trẻ.

“Đỏ mắt” tìm trường mầm non cho con đi học trở lại

Tường Vân |

Thời điểm Hà Nội cho phép trường mầm non trên địa bàn thành phố mở cửa trở lại cũng là lúc các bậc phụ huynh có con đi mẫu giáo lại chạy đôn chạy đáo, "đỏ mắt" tìm chỗ gửi trẻ vì trường học của con đã giải thể.

Trường mầm non "săn" giáo viên trở lại làm việc, chấp nhận trả lương cao

Tường Vân |

Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, khi sắp được mở cửa trở lại, bên cạnh việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, giải bài toán thiếu trầm trọng “giáo viên cơ hữu” là vấn đề nan giải của không ít trường, đặc biệt khối mầm non dân lập, tư thục tại Hà Nội.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.

Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch huyện Cao Phong

Đặng Tình |

Hòa Bình - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.