Nếu thành công, sứ mệnh Chandrayaan mới sẽ biến quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành quốc gia thứ tư sau Nga, Mỹ và Trung Quốc sở hữu tàu hạ cánh có kiểm soát trên bề mặt Mặt trăng, theo France24.
Theo India Express, tên lửa của Ấn Độ sẽ được phóng từ Sriharikota ở Andhra Pradesh vào ngày 14.7 tới.
Phiên bản mới nhất của chương trình Chandrayaan diễn ra bốn năm sau khi một nỗ lực vươn tới Mặt trăng trước đó của Ấn Độ thất bại, khi phi hành đoàn mặt đất mất liên lạc với tàu ngay trước khi hạ cánh.
Hiện tại, các chuyên gia có phần lạc quan khi cho rằng Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ thành công khi đặt mục tiêu vào một sứ mệnh Mặt trăng có người lái trong tương lai.
Anil G. Verma của Godrej & Boyce - nhà cung cấp linh kiện và động cơ chính của ISRO - cho biết: “Chúng tôi chắc chắn rằng lần này sẽ thành công và sẽ mang lại niềm tự hào cũng như sự công nhận cho tất cả những người đã làm việc để phát triển sứ mệnh”.
Theo AFP, sứ mệnh của Ấn Độ sẽ kéo dài 14 ngày, với chi phí 74,6 triệu USD, nhằm mục đích đưa một chiếc xe tự hành lên khám phá bề mặt Mặt trăng.
Chương trình không gian của Ấn Độ đã phát triển đáng kể về quy mô và động lực kể từ lần đầu tiên nước này gửi tàu thăm dò lên quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2008.
Vào năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quanh sao Hỏa và ba năm sau, ISRO đã phóng 104 vệ tinh trong một sứ mệnh duy nhất.
Ấn Độ cũng đang nỗ lực để tăng thị phần từ mức 2% trong thị trường thương mại vũ trụ toàn cầu bằng cách đưa các thiết bị có trọng tải tư nhân lên quỹ đạo với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể giữ chi phí thấp bằng cách sao chép và điều chỉnh công nghệ vũ trụ hiện có.