Apple III
Apple III là kết quả của một dự án được khởi xướng vào năm 1978 sau khi Apple lo ngại rằng mức độ phổ biến của máy tính Apple II, ra mắt năm 1977, cuối cùng sẽ suy yếu.
Khi ra mắt, Apple II đã trở nên phổ biến một cách đáng ngạc nhiên với các doanh nghiệp nhỏ, nhưng IBM cũng đang phát triển một chiếc máy tính cá nhân đặc biệt nhắm đến người dùng doanh nghiệp, khiến Apple càng háo hức củng cố vị thế của mình trên thị trường.
Một đội gồm các kỹ sư đã được giao cho dự án Apple III, thay vì được thiết kế bởi Steve Wozniak. Hóa ra, mọi người đều có ý tưởng riêng về những tính năng mà Apple III nên có và tất cả chúng đều được đưa vào phát triển. Dự án được cho là sẽ hoàn thành trong 10 tháng, nhưng cuối cùng đã mất tới hai năm.
Vào tháng 11.1980, Apple III cuối cùng đã được ra mắt với mức giá hấp dẫn là 3.495 USD và cung cấp hiệu suất gấp đôi so với Apple II cùng bộ nhớ gấp đôi (128KB RAM). Đây là máy tính đầu tiên của Apple có ổ đĩa mềm tích hợp và chạy hệ điều hành mới có tên Apple SOS, có hệ thống quản lý bộ nhớ tiên tiến và hệ thống tệp phân cấp.
Thật không may, không có cải tiến nào trong số này có thể cứu Apple III khỏi thiết kế khung máy bị lỗi và Apple đã buộc phải thu hồi 14.000 máy đầu tiên được sản xuất do các vấn đề quá nhiệt nghiêm trọng, một phần do Steve Jobs khăng khăng không cho quạt tản nhiệt vào trong vỏ máy. Vấn đề nghiêm trọng đến mức sự giãn nở nhiệt khiến các con chip bật ra khỏi vị trí.
Apple III đã bị ngừng sản xuất vào tháng 4.1984, trong khi sản phẩm kế nhiệm của nó bị loại khỏi dòng sản phẩm của Apple vào tháng 9.1985. Tính cả Apple III và Apple III Plus, công ty đã bán được tổng cộng khoảng 120.000 máy tính.
Apple Lisa
Được phát hành vào năm 1983, Lisa chính thức là viết tắt của "Local Integrated Software Architecture”. Thực ra, cái tên này được nghĩ ra sau này sao cho phù hợp với tên của con gái Steve Jobs, Lisa. Apple đã coi nó như một máy tính dành cho doanh nghiệp và là một giải pháp thay thế cho Apple II. Trong khi các máy tính trước đây sử dụng giao diện dựa trên văn bản và đầu vào bàn phím, Lisa là máy tính cá nhân đầu tiên có giao diện đồ họa và chuột.
Mặc dù vậy, với giá khởi điểm vào khoảng 10 nghìn USD, Lisa quá đắt đối với mọi người, trừ những hộ gia đình giàu có nhất, và đó cũng là một phần lý do khiến chiếc máy tính này đã thất bại.
Đến năm 1986, Apple chỉ bán được khoảng 100.000 chiếc và toàn bộ nền tảng Lisa đã ngừng hoạt động. Apple thậm chí đã buộc phải vứt bỏ khoảng 2.700 chiếc Lisa tồn kho tại một bãi rác ở Utah. Ngày nay, có không tới 100 máy tính Apple Lisa còn tồn tại.
Apple Newton
Vào tháng 5.1992, Giám đốc điều hành Apple John Sculley đã tiết lộ thiết bị Newton MessagePad cho khán giả tham dự triển lãm CES năm đó. Ông gọi thiết bị cầm tay màu đen bóng bẩy, có kích thước bằng một bàn tay người lớn là Trợ lý kỹ thuật số cá nhân (PDA). Ông nói, Newton PDA là một loại thiết bị hoàn toàn mới. Nó đi kèm với bút stylus và có thể được sử dụng để ghi chú, lưu trữ danh bạ và quản lý lịch.
Tuy nhiên, tính năng mũi nhọn thực sự của thiết bị này là nhận dạng chữ viết tay của nó. Hoặc ít nhất, đó là kế hoạch ban đầu của Apple. Apple đã xuất xưởng chiếc Newton MessagePad đầu tiên 14 tháng sau đó với giá 900 USD.
Vào thời điểm đó, các công ty khác đang vội vã đưa các PDA của họ ra thị trường và Newton thì vẫn đang gặp vấn đề lớn khi dịch các ghi chú viết tay thành văn bản. Sau những đánh giá tiêu cực, nó đã bị chế giễu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nó thậm chí còn bị chế nhạo trong một số chương trình truyền hình, giải trí.
Apple đã cố gắng để làm cho các phiên bản kế tiếp của Newton thành công và với việc phát hành Newton OS 2.0 vào tháng 3.1996, với khả năng nhận dạng chữ viết tay đã được cải thiện đáng kể. Nhưng thương hiệu vẫn không thể xóa bỏ thiết bị đầu tay tệ hại của mình.
Suốt vòng đời của mình, Newton đã trải qua tám phiên bản phần cứng, tốn kém 100 triệu USD cho việc phát triển nó. Ước tính, chỉ có khoảng 200.000 chiếc được bán ra. Thất bại này cũng được cho là cần thiết để hãng công nghệ Mỹ cho ra mắt iPhone, sản phẩm mũi nhọn của công ty sau này.