Theo đó, ở nhóm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định ngôi vị quán quân.
Các năm 2019, 2020, chỉ số Vietnam ICT Index của Đà Nẵng cũng dẫn đầu. Năm nay, lần lượt đứng sau Đà Nẵng là Cần Thơ (hạng 4 năm 2020), Quảng Ninh (tiếp tục duy trì hạng 3 như 2019, 2020), Thừa Thiên - Huế (tụt 2 bậc, từ hạng 2 năm 2020), Bắc Giang (hạng 29 năm 2020). Chủ nhà Bình Định, nơi công bố báo cáo, xếp vị trí 27 so với 25 năm 2020 và 54 năm 2019.
Ở chiều ngược lại, xếp thấp nhất là Cao Bằng (63). Kế bên trên là Phú Yên (62), Lai Châu (61), Sóc Trăng (60), Hải Phòng (59).
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phân thành 2 nhóm. Nhóm có dịch vụ công: Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch từ số 3 vượt lên số 1, đẩy Bộ Tài chính xuống vị trí thứ 4. Xếp giữa là Bộ Tài nguyên – Môi trường (số 2), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (số 3). 3 vị trí dưới thấp là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (17), Bộ Nội vụ (16), Bộ Khoa học – Công nghệ (15).
Nhóm không có dịch vụ công, top 3 từ trên xuống: Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Kết quả xếp hạng trên được xác định thông qua việc so sánh, đánh giá các chỉ số hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.
Ở nhóm 34 ngân hàng thương mại, top trên có: Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng CPTM Tiên Phong. Top dưới: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex. Nhóm này được đánh giá dựa trên các chỉ số hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hạ tầng nhân lực công nghệ thông tin, chỉ số ứng dụng nội bộ ngân hàng, chỉ số dịch vụ trực tuyến, mức độ sẵn sàng ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin.
Ngoài ra, còn có danh sách xếp hạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022 là năm thứ 6, Báo cáo Vietnam ICT Index tiếp tục đánh giá, xếp hạng các địa phương trên cả nước về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin, với các thành phần là sản xuất (phần cứng, điện tử, phần mềm, nội dung số), dịch vụ và kinh doanh, phân phối công nghệ thông tin nói chung, doanh nghiệp ICT nói riêng.
Cả nước có hiện có khoảng 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh công nghệ thông tin với nguồn nhân lực chừng 1 triệu người. Năm 2021, doanh thu từ sản xuất và cung cấp dịch vụ đạt gần 3,3 triệu tỉ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 92%, nộp ngân sách nhà nước trên 30.000 tỉ đồng.
Trong 63 tỉnh, thành phố, 5 địa phương dẫn đầu hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin là Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bắc Giang (chiếm 84% tổng doanh thu sản xuất, 73,2% doanh thu xuất khẩu, 84,9% giá trị nộp ngân sách nhà nước).
Giữ vị trí số 1 về doanh thu và xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin là Bắc Ninh (trên 1,3 triệu tỉ đồng doanh thu, gần 35 tỉ USD xuất khẩu). Xếp thứ 2 là Thái Nguyên với tổng doanh thu xuất khẩu trên 23 tỉ USD sau đó là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc.
Bắc Ninh cũng là địa phương nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp sản xuất công nghệ thông tin với giá trị trên 6.630 tỉ, nhiều hơn 1,8 lần so với Hà Nội và trên 1,5 lần so với TP Hồ Chí Minh.