Kris Kashtanova là một họa sĩ vẽ tranh ở New York (Mỹ). Cách đây không lâu, cô thực hiện một bộ truyện tranh mang tên “"Zarya of the Dawn", trong đó những hình ảnh rực rỡ được thực hiện bởi Midjourney, một chương trình AI tương tự như ChatGPT. Lúc đầu, cô được công nhận bản quyền cho tác phẩm của mình, bao gồm phần hình ảnh do AI tạo ra. Điều đó khiến Kashtanova rất vui, bởi nó đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ có quyền được pháp luật bảo vệ cho các dự án nghệ thuật AI của họ.
Nhưng vào tháng 2 năm nay, Cơ quan Bản quyền Mỹ quyết định không công nhận phần hình ảnh trong bộ truyện là tác phẩm của họa sĩ này. Lý do là bởi những hình ảnh này được tạo ra bởi AI, không phải do con người. Họ vẫn cho phép Kashtanova được phép giữ bản quyền về cốt truyện và bố cục hình ảnh do tác giả sắp xếp. Riêng phần ảnh do Midjourney sáng tạo không được cấp bản quyền.
Kris Kashtanova đang kỳ vọng sẽ đảo ngược quyết định này, với sự trợ giúp từ một đội ngũ pháp lý hùng hậu. Trong tác phẩm mới nhất của mình, nữ tác giả này đã chuyển sang một chương trình AI khác, Stable Diffusion, cho phép người dùng quét các bản vẽ của chính họ và tinh chỉnh chúng bằng lời nhắc văn bản. Kashtanova tin rằng với việc những hình ảnh được AI tinh chỉnh bằng tác phẩm gốc của chính mình, sẽ là căn cứ để tác phẩm được công nhận bản quyền một cách đầy đủ.
Theo ông Ryan Merkley, cựu Giám đốc Tổ chức chia sẻ bản quyền Creative Commons, nếu những người sáng tạo nội dung dựa trên AI và chủ sở hữu của những hệ thống AI này được cấp bản quyền, họ sẽ thu được những lợi ích to lớn, ước tính lên đến hàng tỉ USD.
Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ và công ty sở hữu nội dung sáng tạo phản đối gay gắt việc cấp bản quyền cho chủ sở hữu hoặc người dùng AI. Họ lập luận rằng những công cụ AI tự học và sáng tạo từ kho nội dung số trên Internet, trong đó có nhiều tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không được phép.
Hiện tại, các nhà phát triển các công cụ AI như ChatGPT, Midjourney, Stability phải đối mặt với một số vụ kiện vi phạm bản quyền. Sarah Andersen, một trong những nghệ sĩ, cho biết việc cấp bản quyền cho các tác phẩm AI "sẽ hợp pháp hóa hành vi trộm cắp”.
"Sở hữu trí tuệ là một vấn đề rất quan trọng, không chỉ được quy định trong luật của mỗi nước mà cả những hiệp định thương mại quốc tế. Việc công nhận bản quyền của những công cụ như AI có thể thay đổi mọi thứ, bởi chúng cho phép hàng triệu người đều có thể tạo ra các sản phẩm được bảo hộ", Ryan Merkley cho biết.
Nhìn chung, những tranh luận về bản quyền giữa con người và AI chưa có hồi kết, chắc chắn sẽ tạo nên những cuộc tranh cãi lớn trong thời gian tới.