Đền Cờn và vị thần bảo trợ cho người Việt đi biển

Nguyễn Hữu Mạnh |

Bên bờ sông ngay tại cửa Cờn, làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An có di tích đền Thánh Nương, còn gọi là đền Cờn Nghệ An.

Ngôi đền có một vị trí đặc biệt về kiến trúc, mỹ thuật, cảnh quan và đời sống văn hóa của nhân dân. Đây không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn có cảnh quan thanh tịnh, sơn thủy hữu tình.

“Tứ vị thánh nương” là ai?

Trong lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại, cửa Cờn là một trung tâm thương cảng lớn, tham gia vào mạng lưới giao lưu, buôn bán với các bến cảng dọc vùng biển Thanh - Nghệ - Tĩnh, xa hơn nữa là các bến cảng Vân Đồn, Thăng Long, Phố Hiến... cung cấp những mặt hàng gốm sứ của nhà nước Đại Việt trong nhiều thế kỷ. Với vị thế đó, các triều đại luôn coi trọng cảng cửa Cờn, vừa là trọng điểm an ninh vùng biển, vừa là trung tâm phát triển kinh tế thương mại, đem lại nguồn thu lớn cho vùng.

Các sách cổ như: "Việt điện u linh", "Lĩnh Nam chích quái"... đều kể sự tích Đền Cờn (Đại Càn) ở cửa Càn Hải. Theo đó, đền Cờn là nơi thờ Thái hậu họ Dương và ba công chúa con vua Tống Bế Đính. Cuối niên hiệu Trùng Hưng (1278 - 1279), quân Tống bị quân Mông Cổ đánh tan ở Nhai Sơn, vua Tống đem gia quyến và bề tôi hơn 800 người lên thuyền trốn ra biển. Bị đuổi gấp, vua tôi phải nhảy xuống biển tự tử. Xác Thái hậu và ba công chúa trôi vào cửa Cờn được dân chài chôn cất dựng miếu thờ. Miếu rất thiêng, dân chài thường cầu khấn. Dân chài dọc bờ biển nước ta lập rất nhiều đền miếu thờ “Tứ vị thánh nương” hoặc “Tứ vị hồng nương”.

Có thần tích lại kể rằng “tứ vị” là gồm hoàng hậu, hai công chúa và một nhũ mẫu. Cũng có ý kiến cho rằng, thần tích tứ vị là tổng hợp nhiều nữ thần khác nhau, trong đó có vợ vua nhà Tống. Bà không có trong danh sách thần linh, kể cả thần hàng hải, thủy thần Trung Quốc. Vị thủy thần nổi tiếng ở Nam Trung Quốc là Lâm Mặc, tức Ma Tổ. Vị này cũng được thờ ở phố Hiến và một số nơi ở nước ta. Cho nên, “Tứ vị thượng đẳng thần” là nhóm thần hàng hải được cư dân ven biển nước ta tôn thờ từ thời Trần đến thời Nguyễn mà vợ vua Tống chỉ là một dị bản chứ không phải là duy nhất.

Tác giả Trần Thị An trong bài viết “Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ vị Thánh Nương” cho biết: “Theo thống kê của Ninh Viết Giao, chỉ riêng huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ngoài đền Cờn còn có tới 30 nơi khác thờ, ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cũng có tới 20 làng thờ bốn vị thánh nữ. Theo cuốn "Thanh Hóa chư thần lục" thì ở Thanh Hóa có tới 81 nơi thờ. Một số công trình nghiên cứu của các tác giả khác cho biết, tục thờ này có ở Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam... và các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng... Tác giả Ngô Đăng Lợi cho biết: “Ở Hải Phòng có đến 26 đền, miếu thờ Dương Thái hậu từ Bến Gót - Cát Hải đến cửa bể Ngãi Am, Vĩnh Bảo, trong đó có nhiều đền to miếu lớn, dân sùng tín”. Cho thấy, Tứ vị thánh nương là vị thủy thần quan trọng đối với người dân đi biển nước ta.

Nghi thức chạy ói trong lễ cầu ngư - một tiết mục đặc sắc trong lễ hội Đền Cờn hàng năm. Ảnh: Nguyễn Đạo
Nghi thức chạy ói trong lễ cầu ngư - một tiết mục đặc sắc trong lễ hội đền Cờn hàng năm. Ảnh: Nguyễn Đạo

Di tích quan trọng nhất thờ Tứ vị thánh nương

Đền Cờn có niên đại khởi dựng từ thời Trần. Năm 1312, vua Trần Anh Tông sau khi được Tứ vị Thánh nương phù trợ đánh thắng trận ở Chiêm Thành đã cho xây dựng đền. Việc lập đền Cờn đã được sử cũ ghi chép lại. Trong "Đại Việt sử ký Toàn thư", kỷ nhà Trần, thời vua Trần Anh Tông có đoạn ghi chép như sau: “Lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải. Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên Húy đổi là Cần), đóng quân lại, đêm nằm mơ thấy một thần nữ khóc lóc với vua: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi dạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. (Quân nhà vua) tiến thẳng đến thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về.

Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế”. Hiện nay, tại đền vẫn còn văn bia Đại Càn điện Tạo Lệ cổ tích bi khắc năm Kỷ Mão (1879), khắc nguyên văn một lệnh chỉ của vua Trần Anh Tông, gia ban vào niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312) cho nhân dân nơi đây được làm dân Tạo lệ.

Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng lại đền với quy mô lớn hơn, ít nhất có tam tòa, tạc tượng, đúc đồng và sắc phong cho thần ở đền là “Đại Càn Thánh Nương Quốc gia Nam Hải Tứ vị thượng đẳng thần”. Vào thế kỷ XVIII, vua Quang Trung đã sắc phong cho Đền Cờn các mỹ từ "Hàm Hoằng Quang Đại" và "Hàm Chương Tiết Liệt".

Lễ hội ở đền Cờn là lễ hội lớn trong vùng. Trước đây, vào ngày mùng 7 tháng Giêng, là ngày hóa của Tứ vị thánh nương (theo thần tích). Theo tục lệ cổ truyền, mỗi giáp phải chuẩn bị 4 cái bánh dầy to và nặng đến 15 - 20kg, làm bằng gạo nếp cái hoa vàng. Như vậy, làng có 4 giáp thì phải có đủ 16 cái bánh dầy để tế thần.

Vào sáng ngày mùng 7 Tết những chiếc bánh dầy được đặt dọc thành dãy dài theo 9 bậc thềm từ tòa đại bái ra đến cổng đền. Khi cử hành tế lễ, có hai hàng nữ quan đứng thành hai bên dãy bánh cũng thành hang dọc, trông rất uy linh. Sau khi nhà đền tế lễ dâng bánh cho Tứ vị thánh nương xong, số bánh dầy này cũng được chia thành 2 phần. Một nửa để lại cho nhà đền để chia cho các vị quan viên, còn nửa kia trả về cho các phe giáp chia cho dân đinh giáp mình.

Trước đây, làng Phương Cần tổ chức lễ hội chính diễn ra ở đền Cờn từ ngày 15 đến ngày 22 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trong dịp này, có nhiều lễ hội linh đình và rước xách hoàng trang, đặc biệt là trong ngày 21 tháng Giêng có tổ chức tục chạy với rước cây gỗ thần, rất náo nhiệt, đông vui vào lúc 3h sáng.

Khi gần sáng rõ thì các đám rước gặp nhau tại cửa Ngâm, làng tổ chức bữa tiệc tại chỗ trên bãi biển. Tuy ăn, cỗ tiệc khao ở ngoài bãi nhưng cũng khá thịnh soạn, chu đáo, có tới hàng trăm mâm cỗ “ba tầng” đủ các món xào, nấu, thịt lợn, thịt gà, giò, chả, canh và các loại bánh trái. Ăn cỗ xong xuôi thì làng tổ chức diễn trò trình nghề: Bủa lưới, quăng chài, đẩy ruốc, đánh bắt cá, tôm... rất vui vẻ. Đặc biệt trò diễn trình nghề “ngư, tiều, canh, mục” và “sĩ, nông, công, thương”.

Được mệnh danh là ngôi đền linh thiêng bậc nhất trong các đền chùa ở Nghệ An, năm 1993, đền Cờn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đền Cờn là một trong bốn ngôi đền linh thiêng hàng đầu xứ Nghệ - Tĩnh với câu nói quen thuộc: "Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng". Từ khi ngôi đền được thành lập, ngư dân ra khơi luôn đến đây để cầu bình an, may mắn, sức khỏe và tài lộc, và họ tin rằng sự phù trợ của Tứ vị thánh nương sẽ bảo vệ họ trở về an toàn.

Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Bún chả chấm chẻo độc lạ ít người biết ở Nghệ An

Thùy Trang |

Nếu bún chả Hà Nội chan nước mắm chua ngọt, bún chả Nghệ An lại được chấm cùng hỗn hợp đặc sệt, béo ngậy và thơm vị lạc gọi là chẻo.

Đánh thức tiềm năng du lịch Kỳ Sơn - hòn ngọc ẩn ở miền Tây Nghệ An

Hồng Sơn |

Nghệ An - Là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, ẩm thực độc đáo, thiên nhiên hoang sơ…, huyện biên giới Kỳ Sơn có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, tâm linh và mạo hiểm.

Đầu năm đi lễ 2 ngôi đền thờ Ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh - Nghệ An

Chí Long |

Dịp đầu năm, đông đảo người dân ghé thăm hai ngôi đền thời Ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh - Nghệ An nhằm cầu bình an, may mắn, đón nhiều tài lộc.

Người dân Nghệ An nóng lòng khai hội đền Cờn năm 2024

QUANG ĐẠI - THANH THỦY |

Trước ngày khai hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) năm 2024, nhiều hoạt động đặc sắc thu hút đông đảo người dân và du khách.