Như Lao Động đã đưa tin, ngày 25.10, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, bắt giữ đối tượng Phan Thanh Hoàng (SN 2003, trú tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) để điều tra về hành vi giết người.
Trước đó, khoảng 20h ngày 24.10, tại salon tóc Vũ Huyền ở phố Nguyễn Gia Thiều, TP Bắc Ninh, đối tượng Phan Thanh Hoàng đã dùng dao xông vào truy sát bạn gái cũ là chị Nguyễn Thị B (SN 2003, trú ở TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ngoài ra, Hoàng còn truy sát bạn trai của chị B là anh D. Hậu quả, chị B. tử vong còn D thì bị thương nặng.
Thời gian gần đây, các vụ án mạng thương tâm do ghen tuông tình ái có chiều hướng gia tăng, gây ra những lo lắng trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay có giới trẻ đang có xu hướng coi bạn đời là vật sở hữu nên khi bị chia tay họ sẵn sàng dùng vũ lực để trả thù.
Ám ảnh cuồng ghen của người trẻ
Hơn một năm sau khi chia tay, cho đến giờ, chị L.P (21 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa thôi ám ảnh về người yêu cũ bởi thanh niên này là người có tính sở hữu rất cao.
Theo chị L.P chia sẻ, trong khoảng thời gian yêu nhau, chị đã phải chịu đựng rất nhiều với những lần ghen tuông vô cớ của người yêu cũ.
“Có lần thấy tôi nhắn tin với một bạn nam cùng lớp để trao đổi về vấn đề học tập, anh ấy hỏi dồn dập vì sao tôi lại nhắn tin với bạn nam mà không phải với bạn nữ. Chưa cần nghe câu trả lời của tôi, người yêu cũ đã ném vỡ điện thoại rồi dùng vũ lực cùng những lời lẽ rất nặng nề”, L.P nhớ lại.
Cảm thấy không hòa hợp, cô gái này đã quyết định chủ động nói lời chia tay người yêu.
Không dễ dàng như L.P, chị M.N (26 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) phải mất một thời gian dài mới thoát khỏi người yêu cũ cuồng ghen. Chị M.N kể rằng, người yêu cũ yêu cầu kiểm soát tất cả các tài khoản mạng xã hội của chị và còn đưa ra “điều luật” khi đi ra ngoài, chị chỉ được nhìn và giao tiếp với người cùng giới.
Chị M.N chia sẻ, một lần đi chợ về phải xách nhiều đồ nặng, chẳng may bị rơi nên có người đàn ông đi ở đường nhặt lên giúp.
Đúng lúc đó, người yêu chị N. cũng vừa đi xe máy tới, nhìn thấy thế liền tức giận kéo chị về nhà tra hỏi, gây sự, rồi vu cho chị là "bắt cá hai tay". Quá bức xúc, chị N. cãi lại thì bị người này "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đến mức phải nhập viện.
"Sau đó vì quá sợ hãi, tôi quyết định dừng lại. Chẳng buông tha, hắn ta còn tìm đến nhà đòi nói chuyện ngay cả lúc nửa đêm, gọi điện thoại đến mấy trăm cuộc mỗi ngày. Cuối cùng, tôi phải thay số điện thoại, mạng xã hội và chuyển trọ thì mới thoát", chị N. kể lại
"Liều thuốc" ngăn chặn cuồng ghen ở người trẻ
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân khiến số vụ trọng án bắt nguồn từ cuồng ghen xuất hiện liên tiếp trong thời gian qua chính là do các đối tượng gây án (chủ yếu là nam giới) nhận thức về pháp luật còn hạn chế.
Đây là biểu hiện của sự thiếu hụt về nền tảng đạo đức, nhân cách và lối sống. Khi đứng trước những mâu thuẫn tích tụ trong tình cảm nam nữ, thay vì đưa ra hướng giải quyết hài hòa, không vi phạm đạo đức, pháp luật, nhiều trường hợp đã có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác, thậm chí cho cả bản thân (tự sát).
“Trong cuộc sống mở hiện nay, có rất nhiều sức ép từ nền kinh tế thị trường cho mọi người, áp lực tiền bạc, việc làm, mưu sinh cuộc sống, khiến một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có sự thay đổi về mặt nhận thức, có những hành vi thiếu tỉnh táo, biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Và rồi các vụ trọng án có nguyên nhân bắt nguồn từ cuồng ghen xảy ra…”, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho biết thêm.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), để giảm thiểu những hậu quả đau lòng của những cơn cuồng ghen thì vấn đề đầu tiên đó là cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân. Đồng thời phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi nóng nảy, mất bình tĩnh, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn.
“Phương pháp giáo dục, môi trường giáo dục, các tác động xung quanh là những yếu tố quan trọng để phát triển và hình thành nhân cách của mỗi con người. Bởi vậy giáo dục là cả một quá trình, để có những con người có đạo đức, nhân cách hoàn thiện thì cần phải có định hướng giáo dục đúng đắn, có môi trường giáo dục lành mạnh, có phương pháp giáo dục tiên tiến, văn minh mới đạt được hiệu quả giáo dục", TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.