Phim truyền hình Việt Nam thời gian gần đây khai thác nhiều về đề tài gia đình với những mâu thuẫn, cũng như mối quan hệ tình cảm rắc rối của các thành viên.
Trong đó, người mẹ được xây dựng với đức tính cay nghiệt. Đôi khi, phần tính cách này bị đẩy lên hơi quá, khiến tình tiết phim trở nên vô lý và khán giả thấy ngỡ ngàng, khó chịu.
Những người mẹ xấu tính xuất hiện quá nhiều
Trong “Hãy nói lời yêu”, bà Hoài (Nguyệt Hằng) là người mẹ bảo thủ, áp đặt, tự quyết định mọi thứ trong gia đình. Nhưng việc hết lòng vì chồng con lại đổi lấy sự phản bội của ông Tín khiến bà Hoài càng thêm điên loạn, như rơi xuống đáy vực.
Chồng ngoại tình, con gái bị lừa thành tiểu tam, bà Hoài trút hết giận dữ lên cậu con trai. Minh bị mẹ bắt học 7 quyển sách một ngày và nhồi nhét ăn liên tục như một đứa trẻ, dù cậu đã trưởng thành.
Khi mất kiểm soát, bà Hoài xô ngã tình nhân của chồng khiến Trâm xảy thai, sau đó bị bắt giam nhưng không một chút ân hận vì đã hại chết một sinh linh chưa chào đời. Bà Hoài vẫn tiếp tục chì chiết, lôi tội lỗi của ông Tín ra dày vò hàng ngày.
Giữa bi kịch gia đình, My uất ức lên tiếng, cô cho rằng lỗi một phần thuộc về bố nhưng còn có lỗi của mẹ. Nếu mẹ không áp đặt, chì chiết thì gia đình đã không tan nát đến mức này. Ngay lập tức, bà Hoài cho My cái tát trời giáng và hét to “Cút đi”. Không thể nhẫn nhịn vì vợ ngày càng quá quắt, ông Tín quyết tâm đưa 2 con tránh xa khỏi mẹ.
Bà Bích (Tú Oanh) và bà Sa (Thu Hạnh) trong “Hương vị tình thân” cũng được xây dựng với nhiều tính xấu. Bà Bích là mẹ nuôi của Nam, luôn có ác cảm và chưa bao giờ đối tốt với con gái. Khi bị vỡ nợ, được Nam đứng ra giải quyết, bà Bích không một lời cảm ơn mà còn đổ lỗi cho cô là vận đen của cả nhà.
Bà Sa dù là mẹ đẻ của Thy nhưng đối xử với cô không khác nào “người dưng nước lã”. Bà luôn cay nghiệt và nói nuôi Thy tốn tiền bạc, công sức nên ép con tìm mọi cách gả vào nhà giàu. Khi thấy Long không đáp lại tình cảm, bà Sa trơ trẽn khuyên Thy chuyển mục tiêu sang em trai Long.
Thy phản đối thì bị mẹ thằng tay tát và nói: “Có tiền, có quyền thì sẽ có mọi sự tôn trọng. Đạo đức hay liêm sỉ chỉ là sự ngụy biện của thất bại mà thôi.”
Dì Tư trong “Thương con cá rô đồng” hay trước đó bà Phương ở “Sống chung với mẹ chồng” cũng là những người mẹ quá đáng, cay nghiệt với con cái.
Có dẫn đến phản ứng ngược?
Nhân vật, câu chuyện trên phim thường được xây dựng dựa trên thực tế cuộc sống, những người mẹ với đa dạng tính cách phần nào làm bộ phim trở lên hấp dẫn, nhiều màu sắc. Trong nhiều trường hợp, sự quái thai của nhiều bà mẹ là chất xúc tác đẩy cao trào cho phim.
Ngoài đời tất nhiên vẫn còn những người mẹ xấu tính, độc ác nhưng khi lên phim, có vẻ một số nhân vật được “tô vẽ” thêm để tạo điểm nhấn. Cảnh bà Hoài nhét cơm vào miệng, ép con trai ăn liên tục trong lúc giám sát học bài khiến nhiều khán giả ghê sợ.
Bà Ích “Cây táo nở hoa” dù ở tuyến nhân vật phụ, không nhiều đất diễn nhưng mỗi lần xuất hiện lại khiến người xem ức chế. Đỉnh điểm là hành động về đám cưới của con gái ăn trộm hòm tiền mừng cưới bị nhiều khán giả nhận xét là thái quá, thiếu thực tế.
Sự tuyệt tình của bà Sa ở “Hương vị tình thân” cũng bị đánh giá là vô lý, khi mối quan hệ với con không có chút tình cảm mà chỉ thực dụng, tiền bạc.
Các bộ phim lên sóng cùng lúc làm khán giả khó chịu, ngộp thở bởi những người mẹ xấu tính, có suy nghĩ và cách hành xử khác người và thậm chí còn bị coi là "quái thai". Nếu không xử lý khéo léo, tiết chế trong việc xây dựng hình tượng nhân vật dễ khiến tình tiết phim trở nên vô lý và nhận phản ứng ngược từ người xem.