PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng từ chủ trương trải thảm đỏ, săn đón, đề ra nhiều chính sách thu hút chuyên gia, trí thức Việt kiều về nước đóng góp cho sự phát triển của đất nước đến hành động thực tế vẫn còn một khoảng cách xa. Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành không được công nhận chuẩn hiệu trưởng là một ví dụ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thăng Long - giảng viên ĐH RMIT, việc các cơ quan chức năng nêu lý do hiện chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng, khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để không đồng ý bổ nhiệm GS Thành làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen không chỉ hạn chế một tài năng muốn đóng góp cho giáo dục nước nhà, mà còn cho thấy chủ trương khuyến khích nhân tài người Việt về Việt Nam đóng góp chỉ là "nói cho vui".
TS Phạm Hiệp - nhà nghiên cứu giáo dục - thì cho rằng Luật Giáo dục Đại học từ năm 2012 của Việt Nam đã lỗi thời và không bắt kịp thực tế. Sự cứng nhắc đã làm mất người tài.
“Tôi cho đây là một việc vi phạm tự chủ hoạt động của nhà trường; nhất là ĐH Hoa Sen là 1 ĐH tư, hoàn toàn hoạt động bằng học phí và tiền của cổ đông. Một khía cạnh tự chủ tưởng như quá đơn giản, quá nhỏ thế này mà không xử lý được thì đừng mong làm việc gì phức tạp hơn như quốc tế hoá, trách nhiệm giải trình hay 4.0”- TS Phạm Hiệp nêu quan điểm về sự việc của GS Trương Nguyện Thành.
Trên mạng xã hội những giờ qua, nhiều người bày tỏ sự thất vọng. Vì một tiêu chuẩn trong quy trình công nhận chức danh hiệu trưởng đã cản bước tập thể một trường đại học chọn vị hiệu trưởng mà mình mong muốn. Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn GS Trương Nguyện Thành tiếp tục ở lại Việt Nam cống hiến, không nhất thiết phải làm hiệu trưởng.
Tuy nhiên, GS Trương Nguyện Thành vẫn quyết tâm ra đi. Trên trang cá nhân, ông vừa chia sẻ thêm một bức thư chia tay với nhan đề: “Tạm biệt giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam”.
Thư có đoạn: "Có người đề xuất tôi tiếp tục giữ vị trí phó hiệu trưởng đến khi hội đủ tiêu chuẩn. Trong năm qua, tôi đã xây dựng được khá nhiều nền tảng cho các chiến lược dài hạn tại ĐH Hoa Sen. Tuy nhiên, hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình và cần những phó hiệu trưởng có khả năng chia sẻ, triển khai những chiến lược này.
Do đó, tốt hơn là để hiệu trưởng mới của ĐH Hoa Sen có cơ hội phát triển trường theo hướng riêng của mình dựa trên những nền tảng ấy. Tôi quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây và quay trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Utah. Cảm ơn sự quan tâm của các bạn. GOOD BYE VIETNAM!”.