Riêng đối với GDĐT, vấn đề “liêm chính” và “kỷ cương” thì có lẽ không có vấn đề gì quá to lớn hay khó thực hiện. Còn 3 vấn đề là “hành động”, “sáng tạo”, “hiệu quả” thì cần được đặc biệt chú trọng hơn, nhất là trong giai đoạn nước ta đang thực hiện đổi mới toàn diện và căn bản GDĐT. Trong đó, là cần coi trọng hành động, sáng tạo để đạt chất lượng được thể hiện từ “hiệu quả”.
Mỗi cô giáo, thầy giáo ở lớp học cũng như ở ngoài trường thì đều gắn với chữ “sáng tạo”, mỗi giờ lên lớp phải là một giờ sáng tạo. Ngành giáo dục không những phải thực hiện nghiêm túc những quy định của bộ, của Nhà nước đề ra với những chương trình khung cơ bản mà phải là thực hiện nghiêm túc một cách sáng tạo sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể. Phải thẳng thắn thừa nhận tính “sáng tạo” còn chưa được phổ biến, nhiều giáo viên vẫn còn lên lớp theo chương trình, làm việc theo mệnh lệnh, theo hướng dẫn mà thôi.
“Với thời đại mới, ngành GDĐT phải nhấn mạnh mục tiêu là giáo dục cho học sinh thành người, làm người và ở đời. Học không phải chỉ để kiểm tra, thi cử, tốt nghiệp cũng không phải chỉ là phẩm chất và tài năng. Phẩm chất và tài năng, học 9 năm, 12 năm hay lâu hơn thế nữa thì cuối cùng cũng phải làm người thật tốt.
Chúng ta nói về điều này từ lâu nhưng chưa làm được mấy. Mỗi học sinh phải biết ứng xử tốt trong các mối quan hệ xã hội, trong gia đình, cơ quan, xã hội, ứng xử giữa con người với con người như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Bên cạnh đó, năm học 2017 - 2018, Bộ GDĐT cũng đã đề ra 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp thực hiện trong năm học vì vậy, bộ cần “khớp” những nhiệm vụ, giải pháp đó với 10 chữ khẩu hiệu được Chính phủ đề ra.