“Quá lộ liễu”
Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) – trước những thông số bất thường về điểm thi THPT quốc gia 2018 của Hà Giang.
Ông đồng tình với những phân tích của giáo viên và chuyên gia về tỉ lệ thí sinh đạt điểm khối A và A1 cao đột biến của Hà Giang. Phổ điểm môn Toán và Vật lý cũng trái với quy luật chung.
Nguyên nhân của những bất thường này, TS Khuyến cho rằng có hai khả năng. Năm nay, Hà Giang có 5.500 thí sinh dự thi THPT quốc gia, có thể phần lớn trong số này đều giỏi thật sự. Nhưng khả năng này ít xảy ra, ông nghiêng về việc quy trình tổ chức thi và chấm thi có vấn đề.
“Kết quả thi cao như vậy có thể nói là quá lộ liễu. Cũng có trường hợp đột biến, nhưng thường chỉ rơi vào một vài em, chiếm một số rất nhỏ thôi.
Ngày xưa, những người thi đỗ Trạng Nguyên đâu phải ở kinh đô, mà đến từ một trường hẻo lánh nào đó. Nên chuyện năm nay Hà Giang có một vài thí sinh trội lên, có điểm cao nhất nước cũng là dễ hiểu. Nhưng bất thường ở chỗ, tỉ lệ thí sinh điểm cao lại chiếm đa số. Tôi nghĩ nguyên nhân có thể đến từ quy trình tổ chức thi không nghiêm túc”- TS Khuyến nhận định.
Cần sự giám sát của xã hội
Từ năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” được giao cho các địa phương chủ trì. Việc này nhận được sự ủng hộ của dư luận, khi giảm áp lực đi lại cho thí sinh và người nhà, nhưng lại khiến không ít người lo về chuyện thiếu công bằng trong một kỳ thi quan trọng.
Đặc biệt, đã có nhiều băn khoăn về việc “nơi coi lỏng, nơi coi chặt”. Có hay không việc giáo viên, vì thương học trò, vì bệnh thành tích nên “rỉ tai” các giám thị trên thành phố về nhận nhiệm vụ phối hợp coi thi ở tỉnh “nới lỏng tay” để học sinh đỗ tốt nghiệp? Từ năm 2017 đến nay, những thông tin này chỉ dừng ở mức đồn đoán.
Năm nay, để đảm bảo có một kỳ thi công bằng, chất lượng, Bộ GDĐT đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc tăng cường vai trò giám sát của các giám thị đến từ trường đại học và đội ngũ an ninh. Việc Hà Giang có kết quả thi cao bất thường có nguyên nhân từ đâu, hiện đang chờ kết quả rà soát của địa phương và cơ quan chức năng, nhưng TS Khuyến cho rằng vẫn cần rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức thi.
"Hiện nay, địa phương được giao quyền chủ động tổ chức thì phải gắn với trách nhiệm giải trình.
Tôi kiến nghị cần gắn trách nhiệm cao nhất vào địa phương, trước hết là chủ tịch tỉnh. Nếu làm được như vậy, lãnh đạo tỉnh cũng sẽ là trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của các tỉnh, tự khắc sẽ chỉ đạo công tác tổ chức thi một cách quyết liệt, nghiêm túc từ trên xuống dưới. Nếu không, bài ca rút kinh nghiệm sẽ còn kéo dài” – TS Lê Viết Khuyến kiến nghị.