Nghỉ học để phòng dịch COVID-19, học sinh, sinh viên có phải đóng học phí?

Đặng Chung |

Nhiều phụ huynh có chung thắc mắc, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, thì có được miễn giảm học phí hay không?

Liên quan đến việc học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID – 19, hiện cả 63/63 tỉnh, thành phố đều cho phép học sinh được nghỉ học, nhiều nơi sẽ nghỉ đến hết tháng 2.2020.

Những giờ qua, sau lùm xùm của Trường Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Newton (Hà Nội), đã xảy ra nhiều tranh luận liên quan đến việc: Trong thời gian được nghỉ để phòng dịch, học sinh có phải đóng học phí hay không?

Trong thông báo gửi đến phụ huynh vào 30.1 và 16.2, Trường Newton nói rằng sẽ không hoàn lại tiền học phí tháng 2.2020 và thu thêm từ 2,2-2,5 triệu đồng tiền phụ phí dạy-học online trong thời gian học sinh nghỉ ở nhà để phòng dịch.

Sau khi phụ huynh phản ứng, trường này vừa thay đổi quyết định bằng việc sẽ không thu thêm tiền phụ phí dạy online nữa. Đối với tiền học phí tháng 2 (phụ huynh đã đóng), lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ giữ lại, chuyển sang tháng tổ chức học bù sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

 
Thông báo về việc tổ chức dạy học online và thu tiền phụ phí của Trường liên cấp Newton.

Việc thu hay không thu tiền học phí trong đợt học sinh, sinh viên nghỉ học phòng dịch đang khiến các cơ sở giáo dục đau đầu, đặc biệt hệ thống trường ngoài công lập.

Trong khi đó, phụ huynh cũng tranh cãi về việc có phải đóng học phí hay không. Bởi số tiền học phí của các trường ngoài công lập, quốc tế lên đến chục triệu/tháng, nếu bắt phụ huynh phải đóng đầy đủ trong thời gian con em nghỉ ở nhà là điều vô lý.

Phía các trường lại lập luận: Thời gian học sinh nghỉ, họ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, vận hành bộ máy, trả lương giáo viên, nếu không thu học phí, trường sẽ không có kinh phí để vận hành, duy trì bộ máy cho đến khi học sinh trở lại trường.

Hiện trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 không đề cập tới trách nhiệm đóng học phí hay hoàn trả học phí đã thu trong trường hợp bất khả kháng phải nghỉ học để phòng dịch.

Trường Mầm non Pink Sunshine ở Hà Nội vừa gửi thư ngỏ đến phụ huynh, kêu gọi sự chia sẻ bằng cách học sinh vẫn đóng 1/3 số tiền học phí tháng 2, để nhà trường có kinh phí duy trì hoạt động.

Còn các trường khác, sau khi Trường Newton bị phản ứng vì thu đủ học phí, thì đang nghe ngóng, chưa quyết định có nên thu học phí của học sinh hay không.

Vậy “nghỉ học để phòng dịch COVID19, học sinh, sinh viên có phải đóng học phí?". Đem thắc mắc này hỏi ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội, ông cho rằng hiện chưa có quy định gì về việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau thời gian nghỉ phòng dịch các trường sẽ phải tổ chức học bù, đảm bảo dạy đủ chương trình, nên tổng số tháng thu học phí không hề thay đổi.

Còn với các trường ngoài công lập, việc đóng học phí trong thời gian học sinh nghỉ học hay không cần có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn tới các địa phương. Theo đó, trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch, các trường phải chỉ đạo giáo viên giữ liên lạc với học sinh, phụ huynh, hướng dẫn các em ôn tập, duy trì động lực học tập.

Tùy vào điều kiện thực tiễn, các trường có thể tổ chức cho học sinh học trực tuyến qua nhiều hình thức khác nhau.  Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh, tất cả các trường đều phải thực hiện.

Trường hợp những nơi đã tổ chức dạy học trực tuyến kiến thức mới thì khi học sinh trở lại trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù.

Đặng Chung
TIN LIÊN QUAN

Phụ huynh bức xúc, Trường Newton thay đổi cách thu phụ phí dạy online

Đặng Chung |

Phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học – Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Newton (Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi trường này yêu cầu phụ huynh phải đóng thêm 2,5 triệu đồng để phục vụ việc học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ để phòng dịch COVID-19. Sau phản ánh của phụ huynh, lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ thay đổi cách thu loại phụ phí này.

Nhiều lo lắng về chậm công bố giá sách giáo khoa lớp 1 mới

Đặng Chung |

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước ngày 15.2.2020, các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố giá sách giáo khoa lớp 1 mới. Đã qua thời hạn trên, chưa có bất cứ nhà xuất bản nào công bố. Thiếu thông tin, chậm công khai giá, chưa được tiếp cận với đầy đủ các bộ sách đang khiến giáo viên, các cơ sở giáo dục lo lắng khó đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng trong việc chọn sách giáo khoa lớp 1 mới.

Ngóng mãi chưa thấy công khai giá SGK, địa phương “sốt ruột” đi mua chịu

Đặng Chung |

Các địa phương, cơ sở giáo dục đang “sốt ruột” chờ công khai giá sách giáo khoa mới, trong khi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã quá thời hạn để các nhà xuất bản phải thực hiện việc này.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.

Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch huyện Cao Phong

Đặng Tình |

Hòa Bình - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.