Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), sau 8 năm tổ chức cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia, đã có hàng nghìn học sinh đạt giải. Thông qua các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở các cấp, nhiều câu lạc bộ STEM đã hình thành trong các trường phổ thông. Ở đó, học sinh được khuyến khích đưa ra ý tưởng.
Vậy trong các công trình khoa học của học sinh từng đoạt giải, dự án nào đã đi vào thực tiễn, được các tổ chức, doanh nghiệp “đỡ đầu” để đưa vào cuộc sống?
Trao đổi với Lao Động, Vũ Hoàng Long - tác giả Dự án “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Bắc; giải Ba tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2019 – cho biết, bước ra sau các cuộc thi, dự án của Long đang được trưng bày tại Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, chưa ứng dụng được vào thực tiễn.
Lý do, theo Long, để làm được điều này, tức là tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, có thể sản xuất, cung ứng ra thị trường – cần rất nhiều thời gian và một mình em không thể làm được.
“Trong các cuộc thi, học sinh chỉ cần đưa ra ý tưởng, phục vụ việc học tập, vận dụng kiến thức các môn học vào những vấn đề ngoài cuộc sống. Các chế tạo của học sinh mới là mô hình ban đầu, chứ không phải sản phẩm hoàn chỉnh, để ứng dụng thực tiễn cần nhà khoa học đồng hành, doanh nghiệp đầu tư, chứ một mình học sinh hay giáo viên không thể làm được” – Long cho biết.
Không nên bỏ cuộc thi
Những ngày qua, trước ý kiến cho rằng nên bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh, Vũ Hoàng Long cho rằng không nên bỏ cuộc thi. Những người tâm huyết về vấn đề này nên đưa ra các ý tưởng, giải pháp để cuộc thi khắc phục những hạn chế, phát huy mặt tích cực, thay vì “phá bỏ nó đi”.
“Nhờ cuộc thi, trong các nhà trường đã có những phong trào, khuyến khích học sinh làm khoa học. Nó đã tạo ra những chuyển biến về mặt nhận thức.
Khi sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, em đã rất ngạc nhiên về cách tổ chức cuộc thi của họ.
Họ không đặt nặng thành tích, dự án của học sinh là những thứ rất gần gũi, đơn giản, chứ không mang tầm cỡ, vấn đề to tát quá sức học sinh.
Ví dụ như học sinh có ý tưởng làm lò đốt tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí thải ít mà lượng nhiệt sinh ra cao. Hoặc đơn giản chỉ dừng ở ý tưởng, giải pháp, chứ không nhất thiết tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh.
Họ chỉ quan trọng học sinh có ý tưởng, chú tâm với khoa học từ nhỏ, có cách nghiên cứu khoa học từ trong trường phổ thông, chứ không nhất thiết tạo ra được sản phẩm hay không, vì đó là việc của các nhà khoa học”- Vũ Hoàng Long chia sẻ.
Long cho rằng, thay vì phê phán, cộng đồng nhà khoa học Việt Nam nên tham gia sâu hơn, hoặc đồng hành với BTC của các cuộc thi trong học sinh, sinh viên, để nghe trình bày ý tưởng, khuyến khích, hướng dẫn các em cách nghiên cứu khoa học, hoặc giúp các em đưa ý tưởng đó thành các sản phẩm ứng dụng ở mức độ khác nhau.
Vấn đề không phải là là “bỏ” hay “không bỏ”, mà các nhà khoa học cần vào cuộc giúp sức, đồng hành với học sinh, để những ý tưởng nghiên cứu không chỉ dừng ở "đi thi để lấy giải".