Số phận 2.900 giáo viên hợp đồng sẽ ra sao?
Thầy Nguyễn Viết Tiến (giáo viên Toán, Trường THCS Xuân Sơn, Sơn Tây) buồn bã cầm trên tay tờ quyết định chấm dứt hợp đồng sau 17 năm công tác.
17 năm, với thân phận là giáo viên hợp đồng, thầy không được tăng lương hay hưởng bất kỳ phụ cấp, chế độ ưu đãi gì. Cay đắng hơn, sau khi đã cống hiến tuổi trẻ, thanh xuân, sự nhiệt huyết của mình cho ngành giáo dục, nay thầy bị "đẩy ra đường".
Cũng như thầy Tiến, cô Nguyễn Thị Thanh Thùy (giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Đường Lâm, Sơn Tây) và hàng nghìn giáo viên khác đã sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang suốt nhiều tháng qua - kể từ khi Hà Nội có quyết định tuyển dụng viên chức và các quận, huyện thông báo tất cả giáo viên hợp đồng nếu không thi đỗ kỳ tuyển dụng viên chức năm 2019 sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, số giáo viên hợp đồng do “lịch sử để lại” tại 21 quận, huyện trên toàn thành phố vào khoảng 2.900 người. Phần lớn giáo viên đã gắn bó 7-8 năm, người nhiều thì hơn 10 năm, 20 năm. Nếu bị mất việc, thầy cô lo lắng không biết làm gì để nuôi sống gia đình khi tuổi đã ngoài 40-50.
Trước những tâm tư của giáo viên, đầu tháng 7.2019, tại Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác 6 tháng đầu năm, lãnh đạo TP.Hà Nội đã có tuyên bố "gieo" hy vọng với hàng nghìn giáo viên hợp đồng, khi nói rằng sẽ sớm xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng lâu năm (từ 5 năm trở lên) trên địa bàn.
Tuy nhiên, vì chưa có một văn bản chính thức, nên 1 tháng qua, hầu hết các quận, huyện tại Hà Nội đã ra các quyết định thi tuyển (21/30 quận, huyện) chứ không xét tuyển. Giáo viên hợp đồng không được hưởng bất cứ ưu tiên gì, dù đã cống hiến hàng chục năm cho ngành giáo dục.
Hơn 10 ngày nữa năm học mới sẽ chính thức bắt đầu, nhưng hàng nghìn giáo viên hợp đồng ở Hà Nội vẫn chưa biết tương lai của mình sẽ ra sao.
Mong sớm giải quyết dứt điểm
Trước việc Hà Nội chưa có câu trả lời thỏa đáng với giáo viên về công tác tuyển viên chức ngành giáo dục của thành phố, cô Phan Thị Nhung - giáo viên Trường Mầm non Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) - bày tỏ nỗi buồn của nghề: "Tôi càng ngẫm, càng nghĩ, càng thấy các thầy cô vất vả, ngược xuôi tất bật đi đòi công lý cho mình đến nỗi mất ăn, mất ngủ, nhìn ai cũng phờ phạc thật đáng thương, tội nghiệp quá. Chúng tôi mong Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời: Tại sao không thể áp dụng một chính sách nhân văn, hợp tình hợp lý với thầy cô?".
Còn thầy Nguyễn Viết Tiến và nhiều giáo viên hợp đồng đều mong muốn UBND TP.Hà Nội sớm có phương án giải quyết thấu tình đạt lý để giúp thầy cô tiếp tục được gắn bó với bục giảng, được cống hiến cho ngành giáo dục. Đó là thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Việc này sẽ giúp bảo đảm cuộc sống, góp phần tạo động lực để các thầy cô dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của thủ đô.